Thực hiện công tác kiểm kê rừng: Góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngành chức năng hiện đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm kê rừng (KKR) trên địa bàn toàn tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết công tác KKR tại tỉnh ta được triển khai như thế nào, kết quả đến đâu?
- Công tác KKR tại tỉnh ta được thực hiện từ tháng 3.2016, theo các bước: điều tra rừng; tập huấn KKR; KKR; lập hồ sơ quản lý rừng, báo cáo thuyết minh và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra, KKR. Công tác điều tra rừng và tập huấn KKR do Viện Điều tra, quy hoạch rừng thuộc Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên thực hiện trong tháng 3.2016. Công tác KKR và lập hồ sơ quản lý rừng do Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn (QHNNNT) trực thuộc Sở NN&PTNT thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5.2016.
Trên cơ sở kết quả điều tra, KKR và bản đồ hiện trạng rừng của Viện Điều tra, quy hoạch rừng, Trung tâm QHNNNT phối hợp với tổ công tác KKR các cấp và chủ rừng tiến hành kiểm kê diện tích rừng, chủ rừng nhóm 1 (gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, UBND xã) và nhóm 2 (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh...
Công việc của các đơn vị phải làm đối với nhóm 1 là tổ chức họp thôn để phổ biến và hướng dẫn cập nhật phiếu KKR; xác định sơ bộ ranh giới rừng và đất của từng chủ rừng hoặc nhóm chủ rừng; xác minh bổ sung ngoài thực địa đặc điểm, trạng thái, trữ lượng và ranh giới giữa các nhóm chủ rừng; lập danh sách các lô kiểm kê rừng của từng chủ rừng; hoàn chỉnh số liệu, bản đồ ngoại nghiệp. Với chủ rừng nhóm 2, các đơn vị tiến hành rà soát ranh giới rừng và đất rừng của chủ rừng; điều tra thực địa để hiệu chỉnh ranh giới các trạng thái rừng có sự biến động; bổ sung và chỉnh sửa thông tin cho các lô KKR về đặc điểm các lô rừng vào bảng danh sách các lô rừng.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện công tác lập hồ sơ quản lý rừng cho chủ rừng; hồ sơ quản lý rừng cấp xã; hồ sơ quản lý rừng cấp huyện và hồ sơ quản lý rừng cấp tỉnh. Sau khi hoàn tất các phần việc nói trên, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trung tâm QHNNNT tỉnh phối hợp với Tổ công tác KKR của tỉnh xây dựng báo cáo thuyết minh điều tra, KKR trên địa bàn tỉnh, tham mưu cho Ban chỉ đạo (BCĐ) KKR tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 6.2015, báo cáo BCĐ KKR Trung ương.
Công tác KKR diễn ra khá thuận lợi, hiện đã triển khai KKR tại 8/11 huyện, thị xã, thành phố. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn công tác KKR sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Tổ công tác KKR của tỉnh và huyện Vĩnh Thạnh đi thực địa KKR.
* Tỉnh ta mong đợi gì qua công tác KKR, thưa ông?
- Qua công tác KKR, tỉnh ta sẽ xây dựng được bản đồ hiện trạng rừng và đất chưa có rừng cấp xã, huyện, tỉnh theo mục đích sử dụng rừng, theo chủ quản lý từ tỉnh đến cơ sở; xác định cụ thể diện tích rừng, trữ lượng rừng và diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi toàn tỉnh; thiết lập hồ sơ quản lý rừng và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng. Kết quả KKR là cơ sở để tỉnh ta thực hiện theo dõi diễn biến rừng, đất rừng và việc lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm. Kết quả KKR còn phục vụ cho công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và làm căn cứ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
* Ông có thể cho biết thêm trách nhiệm và những giải pháp của Sở NN&PTNT trong công tác KKR?
- Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và BCĐ KKR cấp tỉnh về thực hiện công tác KKR trên địa bàn tỉnh. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác KKR, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án và dự toán kinh phí KKR, báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc Tổ công tác KKR cấp tỉnh, BCĐ KKR tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, chỉ đạo và giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ, nội dung, chất lượng công tác KKR ở địa phương; tổng hợp báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của BCĐ KKR tỉnh và tham mưu BCĐ KKR tỉnh kiểm tra, nghiệm thu đánh giá chất lượng KKR trên địa bàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
Dự án tổng điều tra, KKR toàn quốc, giai đoạn 2013 - 2016 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15.4.2013, thời gian thực hiện từ ngày 1.6.2013 đến 31.12.2016. Mục đích của việc KKR nhằm xác định hiện trạng, chất lượng rừng của từng chủ quản lý cụ thể và từng đơn vị hành chính. Thông qua công tác kiểm kê nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý tài nguyên rừng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)