Khởi sắc Ðồng Sim
Ðồng Sim là điểm kinh tế mới để dãn dân của xã Bình Phú (cũ), trong đó chủ yếu là dân của xã Tây Xuân và thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Năm 2004, thôn Ðồng Sim được thành lập và là thôn đặc biệt khó khăn, gồm 176 hộ/672 nhân khẩu, trong đó có 52 hộ đồng bào dân tộc Bana. Nhưng nay Ðồng Sim đã khác nhiều.
Hồ chứa nước Thủy Dẻ ở Đồng Sim. Ảnh: H.C
Đồng Sim có diện tích trên 2.700 ha, nhưng đất ruộng canh tác nông nghiệp ít, thiếu nước tưới. Cùng với đó, giao thông đi lại khó khăn, không có lưới điện; sản xuất và đời sống nhân dân rất nhiều thiếu thốn. Ông Nguyễn Công Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Tây Xuân, cho biết: Với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành, và sự cố gắng vươn lên của người dân địa phương, đến nay Đồng Sim đã thay đổi, phát triển rất nhiều so với những năm trước. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện; đời sống nhân dân được cải thiện hơn; bộ mặt nông thôn cơ bản được đổi mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 22,8%.
Từ Chương trình 135, những năm qua, Đồng Sim được hỗ trợ 150 đến 250 triệu đồng/năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất. Riêng làng Cam, qua chương trình định canh, định cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã cải tạo 5,5 ha đất màu, 3,7 ha đất lúa; đắp đập Thủy Dẻ và hệ thống kênh mương phục vụ nước tưới ổn định cho bà con sản xuất lúa. Nước sinh hoạt được đưa về tận làng. Hộ nghèo, hộ khó khăn đều được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.
Đồng Sim đã được triển khai nhiều dự án, trong đó có dự án trồng rừng WB3, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn, nuôi heo bằng đệm lót sinh học… với tổng kinh phí (thực hiện trong 10 năm qua) trên 20 tỉ đồng. Trên diện tích 22,8 ha sản xuất lúa nước, đã được người dân gieo sạ bằng các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất cao.
Xã vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào trồng rừng, chuyển đổi một số diện tích đất lúa, đất đồi sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ thức ăn cho bò; chuyển đổi 264 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo và bạch đàn. Đến nay, nhiều diện tích rừng nguyên liệu giấy đã cho thu hoạch với lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha. Nhờ quỹ đất rộng, phong trào chăn nuôi bò ở Đồng Sim cũng phát triển mạnh, toàn thôn có khoảng 720 con bò, tăng gấp đôi so với năm 2010. Bình quân mỗi hộ có 2 - 3 con bò, có hộ sở hữu trên 30 con.
Bên cạnh nguồn đầu tư của cấp trên, những năm qua huyện Tây Sơn và xã Tây Xuân cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp xây dựng nông thôn mới ở Đồng Sim. Trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện lưới, nước sạch… được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đã xây dựng và nâng cấp 2 phòng học mẫu giáo, xây mới 1 phòng tiểu học, sân vận động, nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng.
Tuy khoảng cách về đời sống so với khu vực đồng bằng còn khiêm tốn, nhưng những chuyển biến ở một thôn còn nhiều khó khăn như Đồng Sim là điều đáng ghi nhận. Ông Đinh Lanh, Bí thư chi bộ thôn Đồng Sim, cho biết thêm: Trong 5 năm trở lại đây, nhờ trồng rừng và chăn nuôi đạt hiệu quả cao, bà con làm được nhà cửa khang trang, nơi ăn chốn ở được bảo đảm. Mấy năm trước đường sá rất lầy lội, đi lại rất khó khăn, nay đường bê tông đi tới tận làng, rất thuận tiện về nhiều mặt. Hiện nay đời sống của bà con Đồng Sim được cải thiện nhiều.
HOÀNG CHI