Tưới nước tiết kiệm cho cây lúa
Giai đoạn (GĐ) làm đất để sạ: Cho nước vào ruộng vừa đủ để cày bừa, làm phẳng mặt ruộng và đắp bờ kỹ giữ nước đủ để sạ, tránh thất thoát phân bón lót.
GĐ sau khi sạ đến bắt đầu đẻ nhánh: Sau khi lúa mọc mầm hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm 1-2 ngày, cho nước vào ruộng, giữ mực nước cao khoảng 1 - 3 cm theo sự phát triển chiều cao của cây lúa. Sau bón phân thúc kết hợp cào cỏ sục bùn lần 1 để nước tự rút đến khi cạn nước mặt ruộng một vài ngày thì tưới lại 2-3 cm cho đến lúc bón phân thúc kết hợp cào cỏ sục bùn lần 2. Giữ mực nước thấp trong ruộng ở giai đoạn này sẽ hạn chế cỏ mọc mầm, vừa thuận lợi cho lúa đẻ nhánh.
GĐ đẻ nhánh đến trước đứng cái làm đòng: Sau khi bón phân thúc lần 2 để ruộng tự khô đến khi thấy nứt chân chim thì mới cho nước vào từ 3-5 cm và tiếp tục để nước tự rút đến khi thấy nứt đất mặt ruộng mới cho nước vào lại như trên. Lặp lại quá trình ướt, khô xen kẽ này cho đến khi lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng. Nếu có bón phân lần 3 (với các giống lúa lai) thì bón vào lúc vừa tưới nước vào ruộng.
GĐ lúa đứng cái làm đòng đến khi trỗ: Đây là giai đoạn xung yếu nhất của cây lúa, ruộng lúa phải thường xuyên đủ ẩm (nhưng cũng không đòi hỏi mặt ruộng phải thường xuyên đủ ẩm). Tưới luân phiên, ruộng vừa cạn thì tưới lại để duy trì độ ẩm.
GĐ từ chín sữa đến thu hoạch: Giữ mực nước trên mặt ruộng khoảng từ 1-3 cm hoặc chỉ cần đủ ẩm. Khi lúa vào chắc xanh (10 ngày trước khi thu hoạch) tháo cạn nước để mặt ruộng khô ráo, nâng cao phẩm chất gạo và thuận lợi cho việc sử dụng máy móc khi thu hoạch.
Lưu ý: Các kỹ thuật tưới trên đây không áp dụng đối với những vùng lúa bị nhiễm mặn, phèn; hoặc lúc cần dùng mực nước cao để chống lạnh, chống nóng trừ rầy nâu.
(Theo NN&PTNT)