Giá muối quá thấp, diêm dân bỏ ruộng
Là nghề truyền thống, sinh kế của hàng ngàn hộ gia đình nhưng từ đầu vụ sản xuất đến nay nhiều diêm dân ở các địa phương trong tỉnh phải bỏ đồng muối vì chi phí sản xuất quá cao, trong khi giá muối quá thấp, càng làm càng thua lỗ.
Những ngày cuối tháng 4 này, thời tiết ở tỉnh ta cực kỳ thuận lợi cho việc sản xuất muối. Nắng to, gió mạnh, độ ẩm thấp là điều mà người làm muối ưa thích. Tuy nhiên, trên ruộng muối thực tế thì không thuận lợi như vậy.
Theo Sở NN&PTNT, vụ sản xuất này, toàn tỉnh có gần 40/210 ha ruộng muối bị bỏ hoang. Điệp khúc “được mùa, mất giá” từ lâu đã trở nên khá quen thuộc đối với người sản xuất muối.
“Mặn, chát” trên đồng muối
Ông Nguyễn Văn Tùng, diêm dân xóm 1, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước), cho biết: “Mấy năm trước, với 2.000m2 ruộng muối, gia đình tôi có thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 3 triệu đồng. Còn năm nay, vào đầu vụ sản xuất nhưng giá muối cứ rơi… tự do nên càng làm càng lỗ. Thời điểm này, giá muối đất tại ruộng chỉ ở mức 500 - 600 đồng/kg, muối trải bạt 1.000 đồng/kg, giảm tới 30% so với cùng kỳ các năm trước nên diêm dân ai cũng nản. Từ đầu vụ đến nay, tôi thu hoạch được hơn 1 tấn muối trải bạt nhưng bán chỉ được hơn 1 triệu đồng, chưa đủ tiền công chi phí cải tạo đất, thuê nhân công gánh muối”.
Không tiêu thụ được muối, diêm dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận đành cào dự trữ để chờ giá lên. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Một diêm dân khác ở thôn Diêm Vân, bà Phan Thị Ánh, than thở: “Để nâng cao chất lượng hạt muối, từ hơn 3 năm nay, diêm dân ở đây được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sản xuất muối theo công nghệ trải bạt. Nhiều vụ liền, sản lượng muối rất cao, có vụ đạt đến 130 tấn/vụ/ha, cao gần gấp đôi sản lượng muối đất. Thế nhưng từ vụ muối năm ngoái, giá muối bắt đầu giảm mạnh nên làm ra mẻ nào, chất đống mẻ đó. Hiện nay, để có tiền trang trải chi phí, hàng ngày tôi phải tự đưa muối đi bán lẻ, nhưng cố lắm cũng chỉ tiêu thụ được trên dưới 1,5 tạ/ngày, thật khó khăn vô cùng!”.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, lo lắng: Năm nay, thời tiết thuận lợi, sản xuất muối được mùa lớn nhưng giá muối quá thấp đã làm cho đời sống của bà con diêm dân gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã có 15 ha ruộng muối với 86 hộ diêm dân. Tuy nhiên, do giá muối thấp, thu không đủ chi nên trong vụ sản xuất này, diêm dân chỉ sản xuất có 4 ha với 23 hộ tham gia, còn 11 ha ruộng phải bỏ hoang. Nếu trong thời gian tới, giá muối không được cải thiện, chắc chắn số hộ bỏ ruộng muối sẽ còn tăng lên nữa.
Tình trạng diêm dân bỏ ruộng cũng đã xảy ra tại nhiều cánh đồng muối khác trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát), cho biết: Từ 2 năm nay, do giá muối thấp, đầu ra khó khăn nên lượng muối tồn đọng tại địa phương khá lớn. Với diện tích 12 ha ruộng muối, năm 2015, sản lượng muối sản xuất ở địa phương đạt trên 1.500 tấn, song tiêu thụ chưa đến 50%. Vụ sản xuất này, diêm dân đã bỏ hoang hơn 5 ha vì càng làm càng thua lỗ.
Còn tại xã Cát Minh, ông Phạm Thái, cán bộ văn phòng - thống kê xã, cho hay: Hiện nay, giá muối chỉ ở mức 400 - 500 đồng/kg đối với muối đất, và khoảng 700 đồng/kg muối sạch. Trong khi chi phí sản xuất như công làm đất, công vận chuyển, bốc vác tăng hơn 30% so với năm trước. Do làm muối không có lãi nên diêm dân chỉ sản xuất 58/65 ha. Đến thời điểm này, sản lượng muối thu hoạch được trên 300 tấn nhưng chưa tiêu thụ được vì thương lái hầu như không mua. Do vậy, đời sống của 600 hộ diêm dân ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu đói khi giáp hạt rất cao.
Giải “bài toán” đầu ra cho hạt muối
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy thu mua, chế biến muối là Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung, Công ty cổ phần Muối và Thực phẩm Bình Định, nhưng hàng năm lượng muối trong tỉnh mà 2 doanh nghiệp này mua vào rất thấp. Nguyên liệu chế biến mà họ sử dụng chủ yếu mua từ các tỉnh phía Nam do chất lượng muối tốt, giá lại rẻ hơn. Do vậy, việc tiêu thụ muối nguyên liệu tại các đồng muối trên địa bàn tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái, hoặc diêm dân “tự bơi” bằng cách đưa đi bán lẻ, hoặc đổi lúa…
Để giải quyết đầu ra cho hạt muối, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT quy hoạch lại vùng sản xuất và xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nghề muối trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: chi cục đang xúc tiến việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nghề muối trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho lãnh đạo Sở. Theo đó, đối với các doanh nghiệp có dự án sản xuất, chế biến muối sẽ được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ gồm: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 5 năm đầu tiên. Đối với diêm dân, tổ chức đại diện diêm dân được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Nếu trong thời gian tới, giá muối không được cải thiện, chắc chắn số hộ bỏ ruộng muối sẽ còn tăng lên nữa
Bên cạnh đó, diêm dân tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu muối được Nhà nước hỗ trợ bạt làm muối sạch; hỗ trợ 100% chi phí mua bạt cho hộ nghèo; hỗ trợ 70% chi phí mua bạt cho các hộ khác; diêm dân đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến muối được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay. Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở chế biến muối được ngân sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ chi phí vận chuyển từ đồng muối đến nhà máy, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại…
Nói là vậy; chủ trương, chính sách là vậy; song hiện nay ít có doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến muối. Nghề làm muối ở tỉnh ta lâu nay cũng rất bấp bênh do giá muối luôn biến động thất thường, nên đời sống diêm dân luôn khó khăn, nhưng bỏ ruộng muối thì không biết làm gì để sống...!
NGUYỄN HÂN