"Bác" thông tin "thuỷ ngân bay lơ lửng trong không khí" ở Hà Nội
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường ngày 26.4 cho biết chưa thể khẳng định thông tin có thuỷ ngân bay lơ lửng trong không khí ở Hà Nội và cần phải có đủ thiết bị mới xác định được.
Sáng 26.4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho hay Tổng cục Môi trường không hề đưa ra thông tin về việc quan trắc phát hiện có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí Hà Nội.
Đồng thời, đại diện Tổng cục Môi trường cũng đã yêu cầu các cơ quan báo chí đăng tải thông tin không đúng, gây hoang mang dư luận phải cải chính và thông tin thêm cho rõ ràng về việc này.
“Cách đây mấy hôm, có phóng viên trao đổi với tôi về thông tin ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Bạn phóng viên đó đã hỏi tôi còn vấn đề gì mới về ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thì tôi nói vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, của toàn cầu và Việt Nam mình cũng trong số đó. Vừa qua, có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường có phát hiện thủy ngân từ mưa a-xit, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp” - ông Tùng cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhấn mạnh đây là vấn đề chung và bây giờ trên thế giới mới có khả năng phát hiện để cảnh báo có thuỷ ngân trong không khí hay không, có từ đâu. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ xem mức độ lớn hay nhỏ, đến mức nào thì được cho là độc. Hiện Mỹ đã phát hiện và tính toán mỗi năm nước này thải ra 48-50 tấn thuỷ ngân trong khí quyển. Họ cũng đã có cảnh báo đến người dân.
“Cần phải có thiết bị mới phát hiện được. Giờ chúng tôi cũng đang bắt đầu triển khai làm nhưng cần phải có khoa học công nghệ, thiết bị. Vấn đề ở đây rất khó vì chỉ có thiết phân tích từ nước mưa thôi còn từ trong khí quyền thì Việt Nam chưa có” - ông Tùng thông tin.
Ngoài ra, về vấn đề ô nhiễm bụi trong không khí, ông Tùng lưu ý phải nhanh chóng có hành động bảo vệ môi trường, không thể để tình trạng này tiếp tục. Đây là trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân chứ không riêng một ai cả. Ví dụ, cần lưu ý người dân hạn chế đốt rác ngoài trời; tiết kiệm năng lượng; các phương tiện ô tô, xe máy phải bảo trì, bảo hành liên tục; tích cực hơn trong dùng xăng ethanol; dùng phương tiên giao thông công cộng nếu có thể; quản lý tốt công trình xây dựng.
Trước đó, báo chí dẫn lời Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết, độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) gần đây nhất tính theo tuần từ 8.4 đến ngày 14.4, chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) Hà Nội ở mức 54-140. Tuần cuối tháng 2 đầu tháng 3, chỉ số AQI dao động 122-178.
Theo thang đánh giá chất lượng không khí ảnh hưởng sức khỏe con người (chuẩn quốc tế), AQI mức độ tốt là dưới 50 và ký hiệu màu xanh. Chỉ số AQI ở mức 51-100 thuộc nhóm trung bình với cảnh báo vàng, khuyến cáo người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm môi trường nên hạn chế ở bên ngoài. AQI từ 101 đến 151 (khu vực da cam) là kém. Như vậy độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức da cam, tức mức khuyến cáo người nhạy cảm cần hạn chế ở ngoài, theo thang này.
Theo Th.Dương (NLĐ)