Tây Sơn: Quyết tâm chấm dứt nghề sản xuất gạch ngói thủ công
Toàn huyện Tây Sơn có 947 lò sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công (SXGNTC) phải tháo dỡ theo lộ trình 3 năm, từ 2014 đến 2016; song qua 2 năm triển khai thực hiện chỉ tháo dỡ được 215 lò SXGNTC. Trong năm 2016, huyện Tây Sơn quyết tâm hoàn thành kế hoạch tháo dỡ toàn bộ lò SXGNTC trên địa bàn.
Một khu lò SXGNTC tại xã Bình Hòa. Ảnh: H.C
Đã không chấp hành chính sách hỗ trợ và thực hiện tháo dỡ, nhiều chủ lò trại tiếp tục hoạt động sản xuất, nhất là tình trạng lén lút khai thác đất sét trái phép diễn ra khá phức tạp, cho đến năm 2015 mới tạm lắng. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, bức xúc: “Năm 2014, 2015 hầu hết các cơ sở SXGNTC trên địa bàn xã đã cam kết tháo dỡ, nhưng một số cơ sở không chấp hành, cá biệt có hộ như Lê Văn Phú, Trịnh Hữu Thái, Tạ Thị Thiên, ở thôn Mỹ An, đều thuộc diện phải tháo dỡ lò trại sản xuất từ năm 2014 nhưng không chấp hành; đề nghị huyện cần hỗ trợ địa phương tiến hành cưỡng chế để làm gương”.
Theo ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi: “Chủ trương xóa bỏ lò gạch ngói thủ công ai cũng đã rõ, nhưng nguyên nhân các chủ lò chưa chịu tháo dỡ là do nguồn đất sét còn trữ khá lớn. Hiện nay cứ thứ Bảy, Chủ nhật, xe chở đất từ An Nhơn, Tuy Phước lên bán cho lò thủ công rất nhiều. Mặt khác, hầu hết lao động SXGNTC đã lớn tuổi, ở độ tuổi 40 - 50, nên chuyển nghề rất khó, mà quay lại trồng dưa, sản xuất nông nghiệp thường bị thất bại, thu nhập không bao nhiêu; bên cạnh đó giá gạch ngói đang lên rất cao, nên họ dây dưa chây ỳ chưa chịu tháo dỡ lò trại”.
Những nguyên nhân nói trên thực sự là trở ngại lớn để Tây Sơn kết thúc lộ trình xóa bỏ lò gạch ngói thủ công trong năm 2016. Trong năm nay, toàn huyện phải tháo dỡ 732 lò gạch ngói thủ công để chấm dứt hoàn toàn nghề SXGNTC; trong đó có 317 lò còn tồn đọng trong 2 năm 2014 và 2015.
Trước tình hình khó khăn nêu trên, ông Đỗ Văn Sĩ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng đắn chủ trương, tự giác tháo dỡ lò trại theo đúng lộ trình quy định. Khẩn trương xốc lại “đội hình” thực thi chủ trương; kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ công tác của huyện, phân công các thành viên bám sát địa bàn để đôn đốc nhắc nhở, hướng dẫn lập các thủ tục chi trả tiền hỗ trợ cho các chủ cơ sở theo chính sách quy định. Thu hồi giấy phép kinh doanh, thu hồi đất cho thuê đối với các cơ sở SXGNTC. Với các cơ sở nằm trong lộ trình tháo dỡ năm 2014 và 2015 nhưng vẫn chây ì, phải kiên quyết áp dụng các biện pháp hành chính, cắt điện sản xuất, tổ chức cưỡng chế… nhằm làm gương cho các trường hợp khác, để đến 31.12.2016 toàn huyện chấm dứt hoàn toàn SXGNTC bằng đất sét nung.
HOÀNG CHI