Ngành Tài nguyên - Môi trường:
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách hành chính
Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng văn phòng điện tử (VPÐT), hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TN-MT.
Cán bộ Trung tâm CNTT đang hoàn thiện bản đồ địa chính.
Thời gian qua, Sở TN-MT đã nỗ lực thực hiện chủ trương, kế hoạch ứng dụng CNTT để đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực TN-MT. Theo ông Châu Thái Quy, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT): Trung tâm CNTT đã và đang triển khai một số nhiệm vụ công tác, như: Đề án “VPĐT phiên bản 5.0”; xây dựng trang thông tin điện tử Sở TN-MT Bình Định; hệ tra cứu hồ sơ lưu trữ; hệ thống bản đồ các vùng cấm và tạm cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hệ thống phần mềm thu phí nước thải; triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; thử nghiệm phần mềm giao lưu trực tuyến ngành TN-MT...
Ông Nguyễn Hiến, Phó giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh, cho biết: Một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh ta là Dự án “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai” (Dự án VLAP). Đây là nền tảng để hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, giúp ngành TN-MT tỉnh hoàn thành việc đo bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tổ chức lại toàn bộ hệ thống quản lý đất đai điện tử.
Ông Châu Thái Quy cho biết: Hiện tại, với Đề án “VPĐT phiên bản 5.0”, toàn bộ các văn bản, công văn đến đều được Sở TN-MT xử lý tức thì, nhanh chóng chuyển đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, phiên bản này còn giúp lãnh đạo Sở rà soát lại các văn bản cũ và kiểm soát, xử lý luồng công việc một cách chặt chẽ. Ngoài máy tính cá nhân, phiên bản 5.0 còn cho phép người sử dụng thao tác trên môi trường hệ điều hành smart phone (điện thoại thông minh), hay máy tính bảng.
Đối với trang thông tin điện tử, ngoài việc liên hệ dễ dàng với các phòng, ban chức năng của Sở TN-MT (thông qua địa chỉ, điện thoại, email), giờ đây, các tổ chức, cá nhân còn có thể truy cập, tra cứu các thủ tục hành chính về TN-MT; kế hoạch, chương trình công tác của Sở TN-MT; thông tin về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin về bảng giá đất. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân còn có thể tải các biểu mẫu về thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, thủ tục về đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm CNTT còn xây dựng hệ tra cứu hồ sơ lưu trữ công khai trên mạng internet, tích hợp trên trang web của Sở TN-MT. Thông qua hệ thống này, các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tra cứu hồ sơ giao đất thời kỳ trước đây, hay tra cứu thông tin để làm sổ đỏ; tra cứu để làm lại giấy tờ bị mất… Riêng đối với hệ thống phần mềm thu phí nước thải, các đơn vị, doanh nghiệp rất thuận lợi trong việc nộp tiền phí nước thải, đỡ tốn thời gian, công sức.
Điều đáng ghi nhận hơn cả là hiệu quả của Dự án VLAP. Theo ông Nguyễn Hiến, nhờ dự án này, hệ thống quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện. Đến nay, công tác đo đạc đất đai, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ… trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện và từng bước hiện đại hóa. Toàn bộ cơ sở dữ liệu về đất đai, bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đều được lưu trong máy chủ đặt tại Văn phòng ĐKĐĐ. Trước đây, để làm hồ sơ đất đai, cấp GCNQSDĐ các tổ chức, cá nhân phải mất hàng chục ngày, thậm chí cả tháng trời, thì hiện tại rất thuận lợi, nhanh chóng. Trong 6 ngày làm việc, Văn phòng ĐKĐĐ, chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ sẽ hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đăng ký, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính; và chỉ trong 2 ngày làm việc, Sở TN-MT sẽ ký GCNQSDĐ.
VIẾT HIỀN