Lắng nghe để đồng hành với doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vào sáng 26.4, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định, lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các địa phương luôn mong muốn đồng hành cùng DN để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị.
Gần 300 đại diện lãnh đạo của các ngành, các hiệp hội và DN đang hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh... đã tham dự hội nghị đối thoại với khoảng 50 kiến nghị, cùng những bức xúc được đưa ra trực tiếp ngay tại diễn đàn. Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết còn có ngần ấy kiến nghị cũng đã được các DN “gửi gắm” qua kênh của các sở: Công Thương, KH&ĐT và Ban quản lý Khu kinh tế để chuyển đến lãnh đạo tỉnh.
“Trên thông, dưới tắc!”
Các kiến nghị chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục cấp đất, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giải phóng mặt bằng chậm, chính sách thuế… Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ như điện, đường, giá dịch vụ cũng là những mối quan tâm của phần đông DN.
Đất đai là vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định “sống còn” đối với sự đầu tư của các DN. Tuy nhiên, đây vẫn là “ma trận” với nhiều vướng mắc mà các DN gặp phải. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Bồng Sơn, cho hay, do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư trễ 1 năm so với kế hoạch, nên dự án của Công ty triển khai bị chậm so với tiến độ đề ra. Trước khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy may tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Công ty có nhận thông tin từ UBND huyện Hoài Nhơn rằng sau khi xây dựng xong giai đoạn 1 của nhà máy, huyện sẽ đầu tư đường trước mặt tiền nhà máy trong năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.
Dành được nhiều sự quan tâm nhất của các DN là vấn đề cải cách hành chính, hỗ trợ DN. Ông Dương Vĩnh Quế - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Austfeed Bình Định - tâm sự rằng, DN mình đã có mặt tại Bình Định được 5 năm, lãnh đạo từ các cấp Trung ương đến địa phương đều khẳng định hỗ trợ hết mức cho DN. “Nhưng trên thực tế, tôi chỉ nhận các thông báo về thanh tra, kiểm tra; một năm, chúng tôi tiếp không dưới 10 đoàn kiểm tra, đoàn nào cũng yêu cầu lãnh đạo cao nhất của DN làm việc. Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy có một đoàn nào xuống tận DN để tìm hiểu, hỗ trợ cho DN. Làm việc với lãnh đạo tỉnh thì rất thông, nhưng cứ xuống đến sở, ngành và cán bộ trực tiếp thì lại... tắc!” - ông Quế bức xúc nói.
Nói về tình trạng “chưa làm đến nơi đến chốn”, ông Quế dẫn chứng việc đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn gia súc ngay tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) thì cơ sở hạ tầng, đường, điện chạy đến tận chân công trình, nhưng đến khi đầu tư trang trại chăn nuôi heo ở Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) thì không được như vậy. Ông Quế so sánh: Đầu tư một nhà máy hơn 200 tỉ đồng, DN chỉ làm vài cái “giấy phép con”, còn đầu tư một trang trại chăn nuôi heo thì mất hơn chục “giấy phép con”, với hàng chục chữ ký.
Cũng liên quan đến các thủ tục hành chính, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, cho rằng, các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành như môi trường, xây dựng, thuế, kiểm tra sau thông quan… ngày càng tăng, gây không ít áp lực về thời gian và nhân lực cho DN. Hiệp hội này thẳng thắn đề nghị Sở KH&ĐT và các sở, ngành cần phải công khai minh bạch các thông tư, chính sách về thuế, ưu đãi đầu tư. Ông Lập bày tỏ: “Hiện nay, những thông tin này ít được công khai minh bạch, rõ ràng, nên các DN phải tự tìm tòi, và vô tình sẽ không hưởng lợi được nhiều từ các chính sách hỗ trợ này”.
Không được đối thoại “cho có”
Liên quan đến việc bố trí và thực hiện các thủ tục đầu tư tại Bình Định, trong đó có vấn đề quan trọng là đất đai mà nhiều DN đề cập ngay tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng, hiện nay tỉnh rất ưu tiên bố trí và tạo điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Đơn cử như Tập đoàn Hùng Vương đến làm việc với UBND tỉnh có 2 lần thì tỉnh đã triệu tập các sở, ngành giải quyết cho đơn vị này, dù họ vẫn còn thiếu nhiều thủ tục. Hay như Tập đoàn Việt Úc từ khi đề cập vấn đề cho đến khi tỉnh chính thức giao đất đầu tư cũng chỉ mất 3 tuần. Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng khẳng định thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng cho DN và thực hiện các cơ chế chính sách khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã rất chủ động tiếp cận mời nhà đầu tư về Bình Định, thay vì chỉ ngồi chờ họ đến. Qua đó, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn như FLC, Hoa Sen, Hùng Vương, Việt Úc… Song Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, bên cạnh những cái được, vẫn còn rất nhiều tồn tại. Trước hết, nói về phía cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều rào cản cản trở sự phát triển của DN. Đây đó vẫn còn nhiều ý kiến của DN rất than phiền về thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các lãnh đạo sở, ngành và địa phương cần phải thay đổi cách nhìn. “Đừng nghĩ nhà đầu tư chỉ đến đầu tư. Phải nghĩ xa hơn, sự phát triển của các DN là sự phát triển của địa phương mình, quê hương mình. Dẫn chứng là sự “thay da đổi thịt” của vùng đất Nhơn Lý khi FLC đầu tư 3.500 tỉ đồng xây dựng khu du lịch, ngay lập tức đã đánh thức cả vùng đất này” - Chủ tịch Hồ Quốc Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương và sở, ngành cần có thái độ, tinh thần cầu thị và lắng nghe để tạo điều kiện tối đa cho DN. “Các sở, ngành ghi nhận và trả lời các ý kiến của DN, tránh đối thoại xong thì đâu lại hoàn đó. Về phía lãnh đạo tỉnh, những kiến nghị chính đáng của DN sẽ được giải quyết triệt để. Những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh sẽ có kiến nghị lên Trung ương giải quyết” - ông Dũng khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, so với các tỉnh trong khu vực miền Trung, Bình Ðịnh có lượng DN ngoài quốc doanh đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lớn nhất, với 5.300 DN (chiếm 85% tổng số DN), tạo nguồn thu lớn cho ngân sách và động lực phát triển của tỉnh. Vì thế, nếu DN khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế.
Ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, thông tin thêm, tính cả năm 2015, toàn tỉnh có 663 DN được thành lập mới với vốn đăng ký 4.478 tỉ đồng, tăng 15,7% về số lượng và 2,7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý I.2016 đã có 203 DN được thành lập mới với vốn đăng ký 876 tỉ đồng, tăng 26,1% về số lượng và 35,9% về vốn đăng ký.
THU HIỀN