Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Làm rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm
Sáng 27.4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của các bộ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để tạo chuyển biến lĩnh vực này trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị hôm nay nhằm bàn đến việc mà xã hội, nhân dân rất quan tâm nhưng công tác quản lý nhà nước còn nhiều điều chưa làm tròn trách nhiệm về bảo đảm ATVSTP với nhân dân. Theo Thủ tướng, cùng với đó là những cuộc vận động của mặt trận, đoàn thể vào cuộc thì mới làm rõ trách nhiệm của những người quản lý có liên quan trong vấn đề này. “Chúng ta có hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, xuyên suốt, vậy ai có chức năng đó? Trách nhiệm của người đó như thế nào? Cả một vấn đề hệ trọng như vậy mà không ai chịu trách nhiệm là sao?”, Thủ tướng bức xúc nêu các câu hỏi. Theo Thủ tướng, phải thay đổi phương thức tiếp cận trong vấn đề này theo hướng làm rõ trách nhiệm của ai; trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bộ ngành; kinh phí ở đâu để làm, tăng cường giám sát của mọi cấp ngành, cơ quan dân cử để có chuyển biến đồng bộ.
Thủ tướng yêu cầu trong nhiều mặt hàng thực phẩm phải bảo đảm cho người dân, phải chọn ra những mặt hàng nào để bảo đảm trước tiên. Chính phủ xác định đó là những mặt hàng tươi sống hàng ngày cho dân. Cũng theo Thủ tướng, hội nghị lần này Chính phủ mời rất rộng các thành phần tham dự, từ lãnh đạo các bộ ngành đến địa phương, ngành công an, quản lý thị trường, mặt trận... để bàn thảo, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương, vì “không thể cả một vấn đề lớn như vậy mà không ai chịu trách nhiệm”. Ở xã phải có người chịu trách nhiệm, huyện, tỉnh cũng vậy, bộ ngành cũng phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu không nói nhiều về kết quả đã làm, thay vào đó cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay để làm rõ những giải pháp trong thời gian tới trên tinh tần cầu thị, lắng nghe để nâng cao trách nhiệm. Trước mắt, chọn một số mặt hàng tươi sống, trực tiếp đến đời sống người dân để làm chuyển biến. Thủ tướng cũng chỉ đạo, cùng với biện pháp giáo dục, tăng cường nhận thức, cần xử lý nghiêm các vi phạm nghiêm trọng. “Tính răn đe giáo dục cần phải đặt ra để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân mà vừa qua chúng ta làm chưa nghiêm”, Thủ tướng nêu.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt; các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm; hiện nay, chỉ còn các trang trại sử dụng chất Salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1-2016 là 9,8%; tháng 2-2016 là 1,46%; tháng 3-2016 là 0,66%).
Qua đợt cao điểm ATTP (10-2015 – 2-2016) cho thấy mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Cụ thể, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu 2015 là 10,3%); thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%). Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm vi phạm với tỉ lệ cao hơn như thủy sản: vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27% (2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%).
Điểm nổi bật là hầu hết các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nam, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Cần Thơ... đều đề xuất Chính phủ phải nâng chế tài xử phạt với vi phạm trong lĩnh vực VSATTP. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị chế tài xử phạt phải mạnh, tái phạm thì bị dừng sản xuất, kinh doanh; tái phạm nhiều lần phải bị cấm vĩnh viên, công khai trên báo chí cho dân biết.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến bức xúc, hiện nay chúng ta đang phải ăn-uống-thở bẩn. Việt Nam là một trong những quốc gia ung thư nhiều nhất trên thế giới. “Bao giờ cho đến ngày xưa, được ăn sạch, uống sạch, thở sạch. Tôi đang rất lo cá chết ở miền trung sẽ thành thực phẩm cho dân”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lo lắng. Cho biết Thanh Hóa đã làm mạnh vấn đề VSATTP từ 2015 nhưng không ăn thua, vì “có quyết tâm đến mấy thì mỗi mình địa phương cũng không thể làm, phải là việc của cả nước vì thực phẩm chạy từ nơi này sang nơi khác”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị Chính phủ phải quản lý bằng được đầu vào của thực phẩm, chất cấm. “Nếu Chính phủ không quản lý được chất cấm thì các địa phương không thể làm nổi. Nếu quản lý được đầu vào chất cấm thì nông nghiệp sẽ sạch. Muốn thế phải quy rõ trách nhiệm, phải xử lý thật nghiêm, bởi tuyên truyền vận động nhiều rồi nhưng chưa ăn thua”, ông nói và đề xuất “cần xử tù nhiều”. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, phải coi VSATTP là vấn đề trọng đại, cần phải chỉ đạo ở cấp cao hơn và cần tập trung xử lý từ nay đến năm 2020.
Trước tình trạng nhập chất cấm hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế phải thường xuyên rà soát, công bố công khai tất cả việc nhập chất cấm hàng năm để chính quyền địa phương, nhân dân giám sát để tránh tình trạng lợi dụng trong nuôi trồng, sản xuất.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, VSATTP không chỉ là vấn đề pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức, phải vận động cả xã hội tham gia, vừa vận động vừa xử lý nghiêm để răn đe như tinh thần. Báo cáo nói chỉ có một số % thực phẩm bẩn, nhưng vấn đề là dân không thể nhận biết, phải có những máy đo để người dân biết. Có hệ thống phân phối thực phẩm sạch cho dân... Đó là những vấn đề phải làm quyết liệt trong năm 2016. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là rất rõ, đây là lĩnh vực liên quan đến dân, phải quyết liệt làm, nhưng cũng là để rút kinh nghiệm chỉ đạo đối với các lĩnh vực khác để tạo chuyển biến thực sự”, ông Vũ Đức Đam cho biết.
Theo PHAN THẢO (SGGP)