Phục tráng thành công giống lúa chủ lực của Bình Định
Là giống lúa chủ lực của tỉnh với năng suất cao, chất lượng gạo tốt và thích nghi nhiều chân ruộng, nhưng nhiều năm qua giống ĐV108 bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Trước thực tế này, mới đây Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (KHKTNN DHNTB) đã phục tráng thành công giống lúa ĐV108.
Giống lúa được ưa chuộng
Có mặt tại Bình Định từ năm 1998, ĐV108 là một trong những giống lúa chủ lực, với diện tích gieo trồng hàng năm 15-20% tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Các địa bàn có diện tích sản xuất lúa ĐV108 nhiều là Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ…
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), ĐV108 là giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, có thể đạt trên 70 tạ/ha trong điều kiện thâm canh. Một trong những lý do ĐV108 được người dân “hít” là có thể sử dụng cho cả 3 vụ sản xuất trong năm, có khả năng chống chịu tốt với chân đất bị phèn chua, nhiễm mặn, ngập úng… đặc biệt là vùng ven đê Đông. Tuy nhiên, do sử dụng qua nhiều năm nên độ thuần và tính kháng sâu bệnh của giống ĐV108 bị suy giảm.
Nông dân các xã ven đê Đông Tuy Phước rất ưa chuộng giống lúa ĐV108.
- Trong ảnh: Tham quan cánh đồng trình diễn sản xuất lúa bằng giống ĐV108 tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước).
“Ngành NN&PTNT từng tính đến phương án chuyển sang các giống lúa khác. Nhưng sau thời gian triển khai nhiều chương trình khảo nghiệm giống và các dự án sản xuất giống lúa thích ứng vùng ven đê Đông, quanh đi quẩn lại nông dân vẫn chịu giống ĐV108 hơn, vì thích nghi tốt nhất với vùng úng ngập và cho năng suất cao nhất” - tiến sĩ Trân cho biết.
Mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp được đưa vào sản xuất lúa ở huyện Tuy Phước là 7.600 ha, riêng giống ĐV108 đã chiếm đến 60%. “Không riêng các xã vùng ven đê Đông như Phước Sơn, Phước Hòa… mà giống ĐV108 được người dân các vùng khác rất ưa chuộng. Ngoài yếu tố năng suất cao, ổn định, giống lúa này còn được giá vì sử dụng làm các loại bánh gạo ngon và “lợi” bánh so với giống khác” - ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước cho hay.
“Gầy” lại ĐV108
Trước thực tế giống ĐV108 bị thoái hóa, UBND tỉnh đã “đặt hàng” Viện KHKTNN DHNTB nghiên cứu phục tráng giống lúa này, nâng cao độ thuần và khả năng kháng sâu, bệnh, đáp ứng nhu cầu về giống cho sản xuất. Nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2013-2015. Cuối tháng 4.2016, đề tài đã được nghiệm thu với kết quả phục tráng thành công giống ĐV108 đáp ứng các yêu cầu năng suất đạt cao từ 71,3 - 72,4 tạ/ha, ít nhiễm sâu bệnh hại.
Tiến sĩ Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện KHKTNN DHNTB cho hay, để phục tráng giống lúa này, Viện đã thu thập mẫu của nhiều dòng, giống lúa ĐV108 từ các địa phương trong tỉnh, với 14 mẫu ở TX An Nhơn, 14 mẫu ở huyện Phù Mỹ, 9 mẫu ở huyện Tây Sơn, từ Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật 2 mẫu và 15 dòng thuần của Viện…
Sau khi chọn tạo và phục tráng, Viện xây dựng mô hình khảo nghiệm giống ĐV108 tại An Nhơn. Đồng thời, xây dựng 2 mô hình trình diễn giống sau phục tráng tại Phước Sơn (Tuy Phước) và Mỹ Chánh (Phù Mỹ) - những vùng trọng điểm về mức độ nhiễm bệnh thối thân và gây hại nặng trên giống ĐV108 ở các vụ sản xuất trước đây.
“Sau 3 năm triển khai, chúng tôi đã phục tráng được giống lúa ĐV108 có đầy đủ những ưu điểm ban đầu, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất và độ thuần cao. Giống phục tráng không xuất hiện hoặc chỉ bị nhiễm nhẹ bệnh thối thân, đạo ôn và rầy nâu, giúp nông dân giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - tiến sĩ Lại Đình Hòe nhấn mạnh.
Về hiệu quả kinh tế, giống lúa ĐV108 phục tráng đạt năng suất cao hơn 4,9 tạ/ha so với giống chưa phục tráng. Tính chung, lợi nhuận thu được của giống phục tráng tăng 4,597 triệu đồng/ha.
Từ nguồn giống ĐV108 phục tráng thành công, Viện KHKTNN DHNTB sản xuất cung ứng cho Bình Định 30 tấn giống lúa cấp nguyên chủng, cùng 2 tấn siêu nguyên chủng và duy trì dòng để sản xuất giống siêu nguyên chủng hàng năm. “Riêng vụ Hè Thu 2016, Viện sản xuất 190 tấn giống ĐV108 phục tráng để phục vụ sản xuất tại Bình Định và một số tỉnh trong khu vực” - ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng bộ môn Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện KHKTNN DHNTB cho hay.
THU HIỀN
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân khẳng định, ĐV108 là giống lúa đầu tiên được phục tráng ở Bình Định. Đây là giống lúa chủ lực trong sản xuất ở Bình Định, cũng như các tỉnh vùng DHNTB, nên việc phục tráng thành công sẽ mở rộng diện tích sản xuất, hạn chế nhiễm sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thạc sĩ Đặng Quang Tám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho rằng, thành công của đề tài nghiên cứu phục tráng giống lúa ĐV108 là cơ sở để ngành Nông nghiệp có kế hoạch, quy hoạch phát triển trong những năm tiếp theo.