Tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng: Đừng để lãng phí !
Trong khoảng 7, 8 năm nay, người viết không nhớ đã được mời dự bao nhiêu hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng (VNQC), song một điều luôn gặp ở mọi sân chơi này là tình trạng trên sân khấu đang biểu diễn mà bên dưới người xem gần như chỉ có… giám khảo và chừng mươi khán giả cũng là “đội nhà” (của đơn vị đang biểu diễn). Các đơn vị dự thi còn không xem tiết mục của nhau, có chăng là những đơn vị có lịch biểu diễn tiếp theo, xem trong khi chờ đợi. Còn những đơn vị đã hoàn thành phần biểu diễn của mình, họ bận bịu chụp ảnh kỷ niệm, thay đồ, tẩy trang, liên hoan nội bộ… Không mấy ai nghĩ đến việc thưởng thức tiết mục của đồng nghiệp, đơn vị bạn để mà cổ vũ, học hỏi. Tại mỗi hội thi, hội diễn VNQC, các đơn vị tham gia còn không xem chương trình của nhau, hỏi lấy đâu ra khán giả bên ngoài?!
Điều này có thể lý giải một phần vì các chương trình VNQC đã được tổ chức nhiều đến mức quá tải, nhàm chán cho người xem. Lĩnh vực, ngành nghề, đơn vị, địa phương nào cũng có sân chơi VNQC của mình, duy trì tổ chức định kỳ với thời gian giãn cách chỉ 2, 3 năm; đặc biệt, về nội dung tiết mục đều giống nhau do chung một chủ đề nhưng dàn dựng không sáng tạo, thiếu bản sắc riêng. Xem suốt hội diễn kéo dài 2, 3 ngày đêm với nhiều tiết mục hát, múa dàn dựng công phu, nếu không nhìn tấm phông màn giới thiệu thì khó mà nhận biết đó là chương trình của ngành nào!
Không thể phủ nhận ý nghĩa của phong trào VNQC đối với đời sống tinh thần của người lao động trong phạm vi một đơn vị công sở, doanh nghiệp hay người dân ở địa phương, tác dụng của nghệ thuật trong bồi đắp tâm hồn con người, trong vấn đề tuyên truyền, giáo dục… Tuy nhiên khi có quá nhiều hội thi, hội diễn VNQC được tổ chức theo kiểu hình thức phải chăng là một sự lãng phí lớn. Thử nghĩ, mội hội thi, hội diễn thường diễn ra trong 2 - 3 ngày, từ các huyện về Quy Nhơn, mỗi đơn vị lực lượng tham gia cũng trên dưới 30 người, tiêu tốn rất nhiều chi phí, chưa kể thuê mướn trang phục, thù lao cho biên đạo, dàn dựng…Đổi lại, ngoài mục đích “giao lưu”, “học hỏi”, “bồi đắp”… rất mơ hồ, là tình trạng không có người xem, không xem lẫn nhau, đáng nói hơn hết là bản chất VNQC hiện nay, diễn viên quần chúng không thể hiện vai trò chủ thể sáng tạo mà làm theo những gì đã được dàn dựng sẵn (đa phần thuê người dàn dựng bên ngoài chứ không phải tiết mục “cây nhà lá vườn” do đơn vị sáng tạo nên).
Thiết nghĩ, các hội thi, hội diễn VNQC nên giãn cách thời gian tổ chức xa hơn, 5 năm 1 lần chẳng hạn, để giảm bớt chi phí, để có nhân tố mới tham gia, để người trong cuộc còn thấy hứng thú trước mỗi kỳ hội thi, hội diễn của đơn vị mình…
KHẢI THƯ