Tuy Phước: Dịch tôm đến sớm
Không chỉ có tôm mà cả cua, cá nuôi xen vừa thả nuôi cũng đã bị chết, khiến nhiều hộ nuôi tôm đứng ngồi không yên. Tình hình này đang xảy ra ở nhiều vùng nuôi tôm tại các xã khu Ðông huyện Tuy Phước.
Cá chết trôi dạt vào bờ ở nhiều ao nuôi tôm xen cua, cá ở thôn Huỳnh Giản Bắc - xã Phước Hòa. Ảnh: TIẾN SỸ
Dịch bệnh tôm nuôi lây lan
Cuối tháng 4 là thời điểm chính vụ nuôi tôm năm 2016, nhưng không khí ở các vùng nuôi tôm tại các xã: Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng (Tuy Phước) yên ắng đến lạ thường. Trên suốt những bờ tôm mênh mông trải dài ở các xã ven đê khu Đông, hiếm hoi lắm chúng tôi mới nghe được tiếng động cơ của máy sục khí ở một vài hồ nuôi tôm.
Ông Ngô Văn Cang, chủ một hồ tôm ở thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, buồn rầu cho biết: “Vụ này tôi đã đầu tư 12 triệu đồng để mua 8 vạn con tôm giống, 4.000 con cua và 1.000 con cá dìa về thả nuôi trên tích 8.000 m2 mặt nước. Tôi nghĩ trên cùng một diện tích, nuôi xen nhiều loại giống thủy sản thì rủi ro thấp hơn, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, nhưng không ngờ vụ này bị thất bại. Không chỉ con tôm, mà cả cá, cua nuôi xen cũng “dính” dịch bệnh và bị chết. Công sức và tiền của đầu tư, chăm sóc 2 tháng qua đã trở thành công cốc. Bây giờ, tôi không dám đầu tư cải tạo lại ao, mua thêm con giống về thả nuôi vì sợ thêm một lần nữa bị thất bại, nợ chồng thêm nợ”.
Ông Phan Trần Phú, Trưởng thôn Huỳnh Giản Bắc, cho biết: Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam có 273 ha mặt nước đã được đưa vào nuôi tôm và nuôi tôm xen cua, cá. Vụ nuôi này, dịch bệnh đến quá sớm, các loại giống thủy sản mới thả nuôi được khoảng 1 tháng đã chết vì bị dịch bệnh, nên người dân không thu được đồng nào. Dịch bệnh tôm lây lan nhanh, hiện có khoảng 80% diện tích tôm nuôi ở địa phương bị bệnh do môi trường và bệnh thân đỏ đốm trắng. Phần lớn các hộ dân có hồ tôm bị dịch bệnh đều đã đi làm thuê kiếm sống, những hộ đã thả giống nhưng chưa bị dịch bệnh thì tìm mọi cách để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng thú thật, thời điểm này khó có thể bảo vệ được tôm nuôi an toàn dịch bệnh.
Dạo quanh các cánh đồng tôm hồ 1, hồ 2, hồ 3, Tân Đề thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Bắc, chúng tôi gặp ông Ngô Văn Giao đang lúi húi vớt những con cá bị chết trong hồ tôm. Ông lắc đầu ngao ngán: “Các hồ tôm chung quanh đều xảy ra dịch bệnh, tôm cá chết hết, nhiều hộ bỏ không nuôi nữa, để nước ra vào ao tự nhiên rất nguy hiểm. Ao tôm của tôi mới thả giống, nên lo lắm. Mấy ngày nay, tôi luôn túc trực bên hồ tôm, không dám lấy nước, cũng không dám thải nước từ hồ ra ngoài, vì sợ vi-rút thân đỏ đốm trắng phát tán lây nhiễm cho tôm của mình”.
Người nuôi tôm ở Nhân Ân (Phước Thuận); Lạc Điền (Phước Thắng); Vinh Quang 2, Dương Thiện (Phước Sơn) cũng đứng ngồi không yên vì nhiều ao tôm ở các địa phơng này đã xảy ra dịch bệnh, tôm nuôi bị chết nhiều, nguy cơ lây lan ra diện rộng là rất cao. Riêng xã Phước Sơn hiện có 10 ha mặt nước tôm nuôi đã xảy ra dịch bệnh.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Đến thời điểm này, người nuôi tôm đã thả giống xong đợt 1.2016 trên tổng diện tích 971 ha mặt nước nuôi tôm, trong đó có khoảng 100 ha mặt nước nuôi tôm theo phương thức thâm canh và bán thâm canh, diện tích còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, chủ yếu nuôi tôm xen cua và cá. Có nhiều hộ nuôi tôm phát hiện vật nuôi bị chết đã không báo cáo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, mà tự xử lý, nên đến thời điểm này chúng tôi mới chỉ cập nhật được 17 ha tôm nuôi tại các xã Phước Thắng, Phước Thuận bị chết vì bệnh thân đỏ đốm trắng và bệnh môi trường”.
Hỗ trợ dân khoanh vùng dập dịch
Theo ngành chức năng huyện Tuy Phước, trước mỗi vụ nuôi tôm, huyện, xã đều đã tổ chức đánh giá các nguyên nhân tồn tại trong việc chỉ đạo công tác nuôi tôm và đề ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm còn thấp kém, phần lớn đều sử dụng chung kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Mặt khác, năm qua ít xảy ra mưa lũ lớn nên các loại vi-rút có hại tồn tại trong môi trường nước đã gặp điều kiện thuận lợi để phát sinh, phát triển. Hơn nữa, vụ nuôi tôm năm nay, thời tiết diễn biến quá phức tạp, tôm, cua, cá mới xuống giống đã gặp thời tiết lạnh, sau đó nắng nóng kéo dài, lại thiếu nguồn nước ngọt, nên độ mặn trong các ao nuôi tăng cao gấp 2 đến 3 lần, khiến cho vật nuôi bị sốc nặng và chết.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa là nhiều người nuôi tôm trong huyện vẫn chưa thật sự ý thức cao trong việc chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm; việc cải tạo ao hồ trước khi thả nuôi chưa được chú trọng đúng mức. Khi phát hiện tôm bị chết, nhiều hộ không báo cáo chính quyền và cơ quan chức năng biết để được hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân và cùng xử lý dịch bệnh, mà tự ý tháo nước từ ao nuôi ra môi trường, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi mầm bệnh phát tán nhiều ra môi trường, việc phòng, chống dịch bệnh đã khó lại càng khó hơn”.
Thực tế này đã xảy ra nhiều năm nay, làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở Tuy Phước khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất. Vụ nuôi tôm này, những hạn chế nói trên vẫn chưa được khắc phục. Ngành chức năng của tỉnh và huyện Tuy Phước cần tăng cường vận động, hướng dẫn người nuôi tôm ở đây xử lý mầm bệnh trong các ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, tránh tình trạng dịch bệnh tôm lan rộng, gây hại các vùng nuôi tôm khác trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Ân cho biết: “Ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cùng chính quyền các địa phương xuống các vùng nuôi tôm để nắm chắc diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, trên cơ sở đó khoanh vùng các khu vực bị dịch bệnh, vận động người nuôi tôm không tự ý xả nước ra kênh mương; hỗ trợ thuốc thú y và hướng dẫn nông dân xử lý ao nuôi tôm, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan; đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng quy trình kỹ thuật và các biện pháp nuôi tôm cộng đồng, nuôi tôm thân thiện với môi trường”.
PHẠM TIẾN SỸ