Sưu tầm kỷ vật võ sư, võ nhân Bình Ðịnh
Tiếp nối dự án văn hóa phi vật thể về bảo tồn di sản võ cổ truyền Bình Ðịnh do Sở VH-TT &DL thực hiện, trong những năm qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành Ðề tài sưu tầm tư liệu hiện vật về các võ sư, võ nhân tiêu biểu của Bình Ðịnh, nhằm phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu.
Cuốn tài liệu võ cổ truyền bằng chữ Hán của võ sư Nguyễn Văn Đấy.
1.
Khác với dự án văn hóa phi vật thể chủ yếu đi sâu vào công tác thu thập tư liệu, phỏng vấn, quay phim, đề tài sưu tầm võ cổ truyền Bình Định của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh ngoài việc thu thập tư liệu về các võ sư, võ nhân, thì công tác sưu tầm hiện vật, kỷ vật liên quan cũng rất được chú trọng. Đề tài được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh và với tất cả các võ sư, võ nhân nổi tiếng ở các địa phương. Việc sưu tầm hiện vật không chỉ đối với các võ sư còn sống mà còn cả với những cố võ sư, võ nhân vang bóng một thời ở thế kỷ trước.
Các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã được phân công tìm đến nhiều địa phương để chụp ảnh chân dung võ sư, ảnh võ sư đang biểu diễn quyền, binh khí; chụp ảnh văn bằng võ sư và thống kê các bảng thành tích, huy chương, danh hiệu mà võ sư đạt được. Photo, scan các tập bài thiệu võ, các bài thuốc võ. Nếu điều kiện cho phép thì tiến hành sưu tầm bản gốc của các tài liệu này cũng như các kỷ vật liên quan đến võ sư, võ nhân, đặc biệt là các loại binh khí sử dụng để truyền dạy nhiều thế hệ học trò của họ. Trải qua nhiều chuyến sưu tầm tập trung tại các võ đường ở Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn…, Bảo tàng đã sưu tầm được nhiều hiện vật phong phú của hàng trăm võ sư, võ nhân nổi tiếng ở địa phương.
Thông qua việc kiên trì vận động, thuyết phục, phân tích ý nghĩa của việc trao tặng của các cán bộ đi sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có nhiều hiện vật mang nặng giá trị tinh thần của các võ sư nổi tiếng đã mất từ lâu, hoặc mất đi sau khi đoàn đến sưu tầm, như: bức thư của một người Hàn Quốc viết năm 1989, đã được dịch sang tiếng Việt, nội dung thư có bài thơ nói về tài nghệ võ thuật của võ sư Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn). Cây roi của võ sư Đào Thanh (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) bằng gỗ kiền kiền, được ông dùng để dạy võ cho học trò đã 50 năm. Một cây roi của võ sư Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh, ở huyện Tây Sơn) được truyền từ thời mẹ của ông là bà Lê Thị Quỳnh Hà (một trong những vị tiền bối nổi tiếng về võ cổ truyền Bình Định), có niên đại cách đây trên 100 năm. Võ sư Lý Xuân Hỷ (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) cũng đồng ý giao lại cặp roi được ông nội là võ sư Lý Hân truyền lại, đã được gìn giữ cả trăm năm qua.
Đại đao được võ sư Hà Trọng Sơn sử dụng dạy võ khi còn sống.
2.
Kết quả khá lớn mà Đề tài đạt được đó chính là đã sưu tầm được một số lượng tư liệu và hiện vật gốc rất đáng kể, đa dạng từ các loại binh khí, đến các tài liệu, vật dụng đã đi cùng những thời kỳ phát triển của võ cổ truyền Bình Định. Đó là bức thư của học trò ở Hà Nội gửi vào hỏi thăm sức khỏe và cảm ơn công lao dạy dỗ của võ sư Nguyễn Đức Thọ (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Hay một cái áo choàng (màu đỏ thêu chữ vàng) của người chủ cửa hàng ở huyện Vĩnh Thạnh tặng võ sư Nguyễn Đức Thọ năm 1978, khi ông dẫn các võ sinh thi đấu và đạt giải cao nhất trong cuộc thi đấu võ đài.
Có những hiện vật được các võ sư trao tặng gắn liền với những câu chuyện ý nghĩa. Một hiện vật thể hiện sự kiên trì chịu khó luyện võ là cái rựa của một người học trò tên Dũng (quê ở Quảng Ninh) vào Bình Định học võ tại võ đường của võ sư Nguyễn Văn Đấy (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) năm 1990. Trong quá trình ở tại võ đường, người học trò đã dùng cái rựa này để chặt củi, đốt than, lấy tiền ăn học. Còn võ sư Hàm Hữu Nghĩa (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) thì trao lại cây ná của một người giữ rừng ở tỉnh Gia Lai tặng ông từ năm 1967. Cây ná được làm cách đây hơn 50 năm, dùng làm vũ khí chống lại lâm tặc, thú dữ. Sau khi được tặng, võ sư Hàm Hữu Nghĩa đã sử dụng ná làm binh khí dạy võ cho võ sinh.
Nhiều tài liệu có giá trị về võ cổ truyền Bình Định đã đưa về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh qua các đợt sưu tầm. Võ sư Nguyễn Xuân Mai (Phù Mỹ) đồng ý để lại cho Bảo tàng cuốn sổ chép tay các bài thiệu võ dày 1.500 trang do ông viết dạy cho võ sinh tại võ đường của ông (quyển gốc). Đặc biệt, võ sư Nguyễn Văn Đấy (Hoài Nhơn) đồng ý để lại cho Bảo tàng tập bài thiệu gốc có niên đại trên 100 năm, viết bằng chữ Hán (trên giấy dó), có hình ảnh minh họa các thế võ và các huyệt đạo trong cơ thể, gồm 130 trang. Con trai võ sư Nguyễn Thành Phiên (xã Tây An, huyện Tây Sơn) là ông Nguyễn Thành Minh (ở TP Quy Nhơn) cũng đã giao lại cho Bảo tàng một quyển bài thiệu được viết bằng chữ Hán, một tập tư liệu các bài thiệu được dịch sang tiếng Việt, một tập tài liệu ghi các bài thuốc võ y.
Qua những nỗ lực sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có được một kho tư liệu và hiện vật quý về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia võ cổ truyền Bình Định, để thời gian tới sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu các hiện vật đến với khách tham quan.
NGUYÊN VIỆT