Đổi thay ở một xã Anh hùng
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) nằm trong vùng hậu cứ núi Bà, là khu căn cứ phía Đông của tỉnh. Chiến tranh đi qua đã 41 năm, từ vùng đất bị bom đạn tàn phá nặng nề, Cát Tiến đã “thay da, đổi thịt” vươn lên. Núi Bà đã được xếp hạng di tích lịch sử vào năm 1994, xã Cát Tiến được Chủ tịch nước phong tặng xã Anh hùng...
Ông Trần Đình Trực, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tiến, cho biết: Từ vùng trắng trong chiến tranh, giờ đây cơ sở hạ tầng của xã được xây dựng ngày một khang trang, 99% số hộ xây nhà kiên cố, 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. Nhờ thuận lợi về giao thông khi có tuyến quốc lộ 19B, 2 tuyến ÐT 640 và ÐT 639 đi qua, nối các xã ven biển, Khu kinh tế Nhơn Hội và sân bay Phù Cát; trên địa bàn xã đang triển khai xây dựng nhiều dự án du lịch lớn... đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển KT-XH và sẽ đạt đô thị loại V trong thời gian không xa.
Xã Cát Tiến nhìn từ núi Bà. Ảnh: XUÂN THỨC
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chuyển từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ ăn chắc, áp dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, sử dụng giống cấp 1 trên diện tích 423 ha/vụ, năng suất lúa tăng khá đạt 72,5 tạ/ha. Chăn nuôi phát triển, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên, toàn xã có đàn trâu bò 636 con (98% là bò lai), đàn trâu 80 con, đàn dê 997 con, đàn heo 1.553 con, đàn gia cầm gần 46.000 con. Nghề truyền thống trồng cói, dệt chiếu thu hút hàng trăm lao động tham gia, với vùng nguyên liệu trồng cói rộng 8 ha, mỗi năm sản xuất gần 80.000 đôi chiếu, thu nhập hơn 7 tỉ đồng.
Toàn xã có 226 tàu thuyền đánh cá, tổng công suất trên 32.440 CV, trong đó có 75 tàu công suất lớn, trang bị hiện đại, chuyên đánh bắt xa bờ, năm 2015 ngư dân khai thác, đánh bắt hơn 4.353 tấn hải sản các loại, đạt 103,6% kế hoạch, tăng 553 tấn so với năm trước. Cát Tiến còn có 160 thuyền chuyên khai thác tôm hùm giống, đem lại thu nhập cao, năm 2015 đánh bắt 33.000 con tôm hùm giống, thu nhập gần 9 tỉ đồng. Các trang trại sản xuất giống thủy sản trên địa bàn xã hoạt động ổn định, sản xuất 60 triệu con tôm post/năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa ở chợ Kẻ Thử khá nhộn nhịp; dịch vụ ăn uống, giải khát, bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch và nhà nghỉ, khách sạn từng bước phát triển. Trong cơ cấu kinh tế của xã, tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng lên 58,4%; tỉ trọng nông, lâm, thủy sản giảm còn 41,6%. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 29,5 triệu đồng/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2014; hộ nghèo giảm còn 7,31%.
Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, cho biết: Tại các khu tái định cư cho người dân có đất quy hoạch phục vụ công trình du lịch, hiện bà con đã vào đầu tư xây dựng nhà ở, xây dựng và kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Địa phương tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích nhân dân đầu tư sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, phát triển dịch vụ vận tải khách. Phấn đấu đến năm 2020, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 70%; nông, lâm, thủy sản chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế của xã; tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng, hộ nghèo giảm dưới 4%.
XUÂN THỨC