Phật hoàng Trần Nhân Tông trên sân khấu tuồng Bình Định
“Nước non cửa Phật” (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng) là tên vở diễn mới về đề tài lịch sử mà êkip dàn dựng của Nhà hát tuồng Đào Tấn đang nỗ lực sáng tạo, làm kịch mục tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, tháng 8.2016 tại Đà Nẵng.
Thông qua xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm trong tác phẩm - Phật hoàng Trần Nhân Tông, vở diễn chứa đựng và chuyển tải những giá trị nội dung tư tưởng lớn, sâu sắc cả về chính trị và văn hóa …
Phần nào giới thiệu khéo léo qua tựa đề, “Nước non cửa Phật” không nói về nhân vật lịch sử Trần Nhân Tông ở giai đoạn hiển hách nhất gắn với chiến công 2 lần lãnh đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, mà chọn giai đoạn sau đó trong cuộc đời nhân vật: khi đã thoái vị và chọn con đường đi vào cửa Phật.
Đạo diễn - NSND Lê Tiến Thọ (người ngồi bàn dưới sân khấu) hướng dẫn dàn dựng cho các diễn viên tham gia vở “Nướn non cửa Phật” vào sáng 27.4 tại Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Bài học muôn đời về giữ nước
Những “câu chuyện” được kể trong “Nước non cửa Phật”: một buổi thiết triều, vua Trần Anh Tông vì nghe theo lời xàm tấu của một viên quan sâu mọt đã cho mở tiệc rượu vui chơi, hưởng thụ làm nhếch nhác triều đình. Lỗi này Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã nghiêm khắc phê bình con, dặn con đừng quên lấy dân làm gốc và cảnh tỉnh mọi người về một “cơn say” còn nguy hiểm, mê muội hơn: say chiến thắng. Quân lính phát hiện và dâng lên Thái thượng hoàng những bức thư hàng hoặc thông đồng với giặc. Tuy nhận ra “nét chữ quen” song với suy nghĩ “một nước biết coi trọng lòng nhân sẽ bừng lên minh đạo”, thể hiện truyền thống “đem đại nghĩa thắng hung tàn” của dân tộc và thực hiện lời dạy của Phật: “lòng khoan dung là tài sản lớn nhất của con người”, Trần Nhân Tông đã cho đốt tất cả tàng thư. Chọn lựa rời bỏ ngai vị, hoàng cung, bất chấp mọi khuyên can, cầu xin của vua con, quần thần, Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử, thực hiện chí hướng “tu tâm, nhập thế, hòa quyện đạo với đời”, tạo ra một Phật phái riêng của người Việt…
Chủ đề của “Nước non cửa Phật” có thể nói được thể hiện gói gọn qua câu nói đanh thép của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông với vua con Trần Anh Tông và quần thần: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”! NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn vở tuồng này, cho biết: “Đây là vở diễn lịch sử nhưng gắn với đời sống hiện đại. Sau chiến thắng, bài học giữ nước là như thế nào? Quyết định rời khỏi vị trí ngôi báu để gần dân, hiểu dân của vua Trần Nhân Tông cũng chính là thông điệp: thân dân luôn là bài học muôn đời… Những bài học sâu sắc, muôn đời về dựng nước, giữ nước đó mà cha ông chúng ta đã để lại, hôm nay nghệ sĩ chúng tôi nguyện đem hết tài năng để sáng tạo, phục vụ đất nước, nhân dân”.
Theo NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, vở tuồng “Nước non cửa Phật” sẽ không đơn thuần là tái hiện và điểm tô lịch sử, chắc chắn người xem sẽ bắt gặp ở tác phẩm nhiều vấn đề thời sự được khơi gợi, đặt ra: về trách nhiệm công dân, vai trò người lãnh đạo, nhân cách con người, đạo lý, kỷ cương…
Hướng đi riêng trong sáng tạo
Với tầm nội dung tư tưởng và ý nghĩa chính trị lớn lao của tác phẩm, vở tuồng “Nước non cửa Phật” nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh. Đến dự lễ khởi dựng vở tuồng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã đánh giá cao tác động, ý nghĩa của nội dung tư tưởng tác phẩm đối với việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhất là trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, yêu cầu ê-kip dàn dựng Nhà hát tuồng Đào Tấn phát huy tài năng, tâm huyết để nỗ lực sáng tạo, mang lại chất lượng nghệ thuật cao cho tác phẩm…
Nội dung tư tưởng trong “Nước non cửa Phật” bên cạnh bài học về lịch sử, chính trị còn là bài học về tự chủ, độc lập về văn hóa. Điều này thể hiện rõ qua tinh thần “tự chủ đường tu” của “Trúc Lâm đại sĩ” Trần Nhân Tông: không máy móc, rập khuôn theo Bắc phương hay Tây phương mà có nét riêng của Đại Việt. Sự tu ở Trúc Lâm Đại Việt “chủ yếu là tu tâm, là nhập thế, là hòa quyện với đời, là dung hợp cả cái hay của Nho giáo, Đạo giáo, những tín ngưỡng tốt đẹp của muôn dân”.
Phật hoàng Trần Nhân Tông trước khi xuất gia là một vị hoàng đế anh hùng, một chính khách kiệt xuất được sinh ra với sứ mệnh lịch sử không chỉ với quốc gia mình mà cả với nhân loại là chặn đứng vó ngựa xâm lăng của thế lực hùng bạo Mông Nguyên thời bấy giờ. Cuộc đời hiển hách mà hiền minh của Phật hoàng Trần Nhân Tông là đề tài, nguồn cảm hứng vô tận đối với nghệ thuật, trong đó, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã có tác phẩm về nhân vật lịch sử này. “Nước non cửa Phật” ra đời muộn hơn, không đi vào “lối mòn” khi khai thác nhân vật ở giai đoạn đầu trị vì, gắn với chiến công lẫy lừng mà chọn “ngã rẽ” lớn trong cuộc đời nhân vật: đi vào cửa Phật với quan niệm mới về xuất thế - nhập thế.
Có thể nói, bản chất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập đó chính là duy trì, gìn giữ đạo pháp - dân tộc luôn song hành. Điểm nhấn của vở diễn sẽ không nằm ở những đại cảnh chiến đấu hay không khí tưng bừng khải hoàn, mà chính là đi sâu thể hiện nội tâm nhân vật, làm sáng lên một nhân cách văn hóa lớn. Có thể nói đây là hướng đi riêng của tác giả kịch bản. Nhiều kỳ vọng trong khi chờ đợi vở tuồng “Nước non cửa Phật” ra đời!
SAO LY