Đột phá từ nguồn nhân lực
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương xây dựng 7 Chương trình hành động cụ thể, trong đó có Chương trình về “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020”. Đây là chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa nền tảng, then chốt cho sự phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh nhà cả trước mắt và lâu dài.
Từ nhiều năm qua, vấn đề phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được tỉnh ta đặt ra và nỗ lực thực hiện. Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo từ các bậc học phổ thông, đại học - cao đẳng, đào tạo nghề…, tỉnh ta còn tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao với nhiều chính sách khuyến khích, ưu tiên; việc thu hút nhân lực trình độ cao về địa phương công tác cũng đã được chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thực hiện chế độ, chính sách thu hút và khuyến khích đối với nhân lực có trình độ cao cho 875 người; trong đó có 7 tiến sĩ, 63 chuyên khoa cấp II, 622 thạc sĩ, 133 chuyên khoa cấp I và 50 sinh viên đại học tốt nghiệp loại giỏi về tỉnh công tác với tổng kinh phí trên 12 tỉ đồng.
Hiện nay, yêu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những đòi hỏi cao hơn càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên bình diện quốc tế. Vì vậy, chương trình phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay cũng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn về mọi mặt, không chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Cụ thể, chương trình phải xác định rõ từng mục tiêu hết sức cụ thể, với số lượng và cơ cấu hợp lý cho tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là đối với các ngành mũi nhọn như dịch vụ, du lịch, công nghiệp… Trong đó, việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
Con người là nhân tố trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện thành công mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung thì phát triển nguồn nhân lực phải là khâu đột phá, có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, ngay từ bây giờ các ngành, các cấp phải tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020” với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất.
HẢI ĐĂNG