Nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ mang lại hiệu quả cao, không chỉ đưa đến lợi ích cho gia đình mà còn giúp nhiều hộ khác đến tham quan, học hỏi và nhân rộng mô hình, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Một số điển hình
Một trong những điển hình phát triển kinh tế hộ là ông Nguyễn Thanh Long, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ông Long cho biết, trên diện tích 3 ha, ông đã chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi phù hợp, gồm đàn bò 10 con, chủ yếu là bò lai sinh sản, 1 ha đậu phụng, 1,5 ha xoài cát Hòa Lộc và ao nuôi cá, chăn nuôi gà. Sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của ông đã cho lợi nhuận trên 250 triệu đồng/năm. Gia đình ông đã giúp 15 hộ thoát nghèo, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động, và khoảng 20 lao động thời vụ.
Ông Nguyễn Thanh Long giới thiệu mô hình thâm canh đậu phụng.
Hộ ông Lê Kim Đan, ở khu vực 8, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) với mô hình kinh tế tổng hợp gồm nuôi ếch giống Thái Lan (300 con), nuôi bò vỗ béo (6 con), chồn hương (15 con), nuôi cá và trồng cây ăn quả trong vườn. Sau 3 năm xây dựng cơ bản, đến nay mô hình đã cho thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm. Mô hình này được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.
Hộ ông Trần Thái, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), làm kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu giấy và nhận quản lý, bảo vệ 50 ha rừng đầu nguồn. Tổng thu năm 2015 của gia đình ông gần 1,3 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/ người/tháng.
Ông Đặng Văn Cao ở thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) sản xuất 1 ha điều, 1 ha mía, 15 sào dưa hấu, 10 sào ớt , 0,5 ha chuối tiêu hồng, 5 sào bắp non và nuôi 10 con bò sinh sản. Mô hình này cho lãi bình quân gần 200 triệu đồng/năm; giúp 3 lao động địa phương có việc làm thường xuyên và 6 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Một trong những tấm gương vượt khó ở huyện An Lão là ông Đinh Văn Tấu, dân tộc H’re, ở thôn 3, xã An Dũng. Ông được tuyên dương điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh năm 2015. Hiện gia đình ông có hơn 10 ha keo, 5 sào lúa nước và mỗi năm xuất chuồng 2 lứa heo thịt với số lượng 10 con/lứa. Mô hình này đã cho thu nhập bình 150 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: Việc lồng ghép các chương trình, dự án và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách hỗ trợ khác, như hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi; chương trình vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn… đã giúp người dân có thêm cơ hội thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả.
Hiện nay kinh tế nông hộ và nông trại đang đi vào sản xuất hàng hóa, chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, song nhiều nông hộ vẫn chưa nắm bắt thông tin thị trường, chưa biết và chưa đủ điều kiện để tổ chức sản xuất thích hợp với thị trường
Ông ĐÀO VĂN HÙNG, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Cũng theo ông Hùng, hiện nay kinh tế nông hộ và nông trại đang đi vào sản xuất hàng hóa, chịu sự chi phối của cơ chế thị trường, song nhiều nông hộ vẫn chưa nắm bắt thông tin thị trường, chưa biết và chưa đủ điều kiện để tổ chức sản xuất thích hợp với thị trường. Vì vậy, trước mắt Nhà nước cần thực hiện công tác hỗ trợ thông tin thị trường cho nông dân. Còn nông hộ nông trại với tư cách đơn vị kinh tế cơ sở tự chủ, cần chủ động lựa chọn những loại nông sản có thị trường tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao, tổ chức lại đồng ruộng của mình, thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ động thực hiện các hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp...
Có thể nói, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của người dân, hoạt động phát triển kinh tế hộ đã có những bước chuyển đáng ghi nhận. Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ được lựa chọn và thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cân bằng sinh thái, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
ĐINH VĂN TOẠI