Chính phủ ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 28.4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Theo Nghị quyết, để các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4, phải bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới, củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.
Bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, trái quy định của pháp luật. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm.
Đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế trên ba nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Rút ngắn thời gian Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công...); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu; chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 5 năm xuống còn 24 tháng. Cùng với đó, giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu...
Cùng với đó, đến năm 2017 phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới) như Chỉ số Hiệu lực chính sách cạnh tranh thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; hoàn thiện chính sách cạnh tranh và nâng cao hiệu quả thị trường hàng hóa và cạnh tranh công bằng.
Chỉ số Bảo đảm mức lương linh hoạt thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; năng suất, khả năng giữ chân và thu hút nhân tài thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chỉ số Mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp...
Phấn đấu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới 70 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp dưới 33 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới 10 ngày; bảo vệ nhà đầu tư thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian nộp thuế là 110 giờ/năm và bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 20 tháng.
Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 và tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau: Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 30/5/2016, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện và kế hoạch chi tiết sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng, đồng thời cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng; tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện; có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện việc khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền; xây dựng và trình ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2014; đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19; xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Theo TTXVN