Gỡ bỏ các rào cản, giải phóng sức sản xuất, thống nhất ý chí phát triển đất nước
(BĐ) - Đó là quan điểm chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với doanh nghiệp (DN), tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” được tổ chức sáng 29.4.
Dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành...
Tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng, cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh).
Diễn ra từ 8 giờ sáng đến 13 giờ 30 phút chiều, với sự góp mặt của 19 bộ trưởng và lãnh đạo 63 tỉnh thành, cùng 1 vạn DN có mặt tại các hội trường trực tuyến, Thủ tướng phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp với rất nhiều kiến nghị của các DN đã được các “tư lệnh” ngành giải quyết trực tiếp.
Khẳng định Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho các DN hoạt động và phát triển; song Thủ tướng cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại không ít rào cản đối với lực lượng kinh tế tiên phong này. Môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho DN. Các nghị định, thông tư ban hành còn quá chậm, gây cản trở khó khăn cho DN.
“Ngoài ra, sức cạnh tranh của DN giảm do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng. Chúng ta đạt 93% DN Nhà nước cổ phần hóa, nhưng vốn hóa ra thị trường lại chưa tới 10% là quá thấp. Hiện nay, tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ đảng viên ở nhiều cấp, ngành còn gây cản trở phiền hà cho DN. Trong hai năm qua, dù Nghị quyết đi vào triển khai nhưng nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền vẫn chưa hiểu rõ tinh thần nghị quyết. Bên cạnh đó, kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo khiến môi trường kinh doanh méo mó, chưa thuận lợi nhất để phát triển kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các hiệp hội DN trong và ngoài nước, cùng các DN đã nhất trí cho rằng: Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh có phần khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều rào cảo, trở ngại đối với DN: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN không đúng thời hạn, có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”; Thủ tục hành chính đã thông thoáng, thuận tiện hơn nhưng DN còn lo ngại về một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ cửa quyền, “hành là chính”, còn có nhiều “giấy phép con”…
Đó là chưa kể, hiện nay, các DN phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Việc nước ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được DN quan tâm, với băn khoăn về khả năng cạnh tranh của mình trước làn sóng hội nhập. Ý kiến của DN cũng cho rằng, chi phí vốn, lãi suất còn ở mức cao, chưa hợp lý; còn tồn tại nhiều khoản thuế, phí…
Các DN kiến nghị Chính phủ cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Các DN cũng mong muốn Chính phủ giảm lãi suất, miễn, giảm, hoãn một số khoản thuế, phí để “khoan sức dân”, tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Mặt khác, sớm quy định cụ thể về Luật Doanh nghiệp, cải cách hành chính, rà soát giảm thiểu “giấy phép con”, các quy định cấp phép phải rõ ràng; các cơ chế chính sách đã được thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.
Nhiều ý kiến của DN và hiệp hội ngành nghề cũng đề cập đến việc DN đang phải chịu áp lực thanh tra, kiểm tra quá nhiều; đồng thời kiến nghị “nên gom các đợt thanh kiểm tra vào một, chứ một tháng, một quý, DN đón quá nhiều đoàn kiểm tra”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể: Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh.
Đồng thời, Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài về chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ một vấn đề, một cơ quan chịu trách nhiệm hướng tới người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng vấn đề đó…
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra “bài toán” cho các “đầu tàu” của DN: “Còn bản thân DN phải làm gì? Đó là cần phải xây dựng văn hóa doanh nhân, nâng cao năng lực, tức là bản thân DN trước hết cần phải tự cứu mình”.
Liên quan đến một số vấn đề “đối xử” với doanh nghiệp gây bức xúc dư luận thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ DN. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, DN hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh.
• Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và VCCI đã ký giao ước tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy các địa phương nói trên.
Ngay trong chiều 29.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các Bộ trưởng để giải quyết các đề xuất, kiến nghị được nên ra tại Hội nghị.
THU HIỀN