Chuyển đổi cây trồng ở Vĩnh Thạnh: Đạt hiệu quả nhờ chủ động nước tưới
Trong mấy năm gần đây, hệ thống kênh tưới Ðông và Tây Vĩnh Thạnh dẫn nước từ hồ Ðịnh Bình cung cấp nước tưới cho nhiều vùng đất dọc các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh. Những vùng đất khô cằn nay đã ngát màu xanh của hoa màu, tăng hiệu quả sản xuất.
Nông dân Vĩnh Quang thu hoạch ớt vụ Đông Xuân. Ảnh: X.DŨNG
Mảnh vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh (ở thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang) rộng gần nửa hecta, trước đây do không có nước tưới nên một phần anh trồng bạch đàn, một phần trồng mì và mía là những loại cây trồng không đòi hỏi nhiều nước. Tuy nhiên, do chân đất cao, đất không đủ độ ẩm nên năng suất các loại cây trồng thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Anh Thanh cho biết: “Từ khi hệ thống kênh tưới của hồ Định Bình được đưa vào sử dụng, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất vườn sang trồng các loại cây trồng cạn như dưa hấu, ớt, bí... đem lại hiệu quả kinh tế thấy rõ. Tôi còn trồng cỏ nuôi bò và trồng rau muống để nuôi heo. Riêng trong năm 2015, thu nhập từ các loại cây trồng trong vườn nhà được trên 60 triệu đồng”.
Ngoài việc sử dụng nguồn nước trực tiếp từ kênh tưới hồ Định Bình, anh Thanh còn dẫn nước về tích trữ trong ao để phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và bơm tưới hoa màu trong vườn nhà mỗi khi kênh mương cắt nước.
Có nguồn nước tưới dồi dào từ hệ thống kênh tưới hồ Định Bình, nhiều vùng đất trước đây khô cằn đã được nông dân đưa vào thâm canh các loại rau màu. Nhiều diện tích trước đây chỉ trồng được cây công nghiệp dài ngày, nay được trồng các loại rau màu. Những vùng đất dọc hai bên kênh tưới được trồng dưa hấu, ớt, đậu phụng, đều cho năng suất cao. Nhiều hộ còn trồng cỏ, trồng rau muống để phát triển chăn nuôi bò, heo.
Ông Cao Thanh Quý, Trưởng thôn Định Trường, xã Vĩnh Quang, cho biết: Thôn Định Trường có gần 50 ha đất chân cao được hưởng lợi từ nguồn nước của kênh tưới phía Tây hồ Định Bình. Nhiều diện tích được tưới trực tiếp; chân đất cao hơn kênh mương thì bà con kéo điện để bơm tưới. Nhờ chủ động nước tưới nên người dân đã đưa các loại cây màu vào trồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Việc chủ động nước tưới từ hệ thống kênh mương hồ Định Bình trong mấy năm qua đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng. Kết quả đáng kể nhất là đã hình thành các vùng chuyên canh phù hợp, qua đó tạo ra giá trị hàng hóa và nâng cao thu nhập cho nông dân”.
XUÂN DŨNG