Hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa: Còn lắm khó khăn
Hơn 95% doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, mở rộng đầu tư. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng (NH) đối với DN nhỏ còn nhiều khó khăn.
Số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động tăng
Tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra ngày 29.4.2016, có một thông tin gây chú ý là 45,5% DN ngừng hoạt động hoặc giải thể. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc dẫn chứng cho “sức khỏe” không mấy tốt của DN bằng con số: kể từ ngày có Luật DN, cả nước có 941 ngàn DN được thành lập. Tính đến 31.12.2015, có 513 ngàn DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428 ngàn DN ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Trong nhiều vấn đề được các DN trên địa bàn tỉnh đối thoại với lãnh đạo tỉnh cuối tháng 4.2016, có không ít ý kiến liên quan đến nguồn vốn đầu tư.
- Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bìa phải) trao đổi với các DN tại đối thoại.
“DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng gần một nửa số ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong 3 năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, riêng năm 2015 có 80.000 DN, quý I.2016 tiếp tục có gần 23.000 DN, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước” - ông Lộc nhấn mạnh.
Cùng với tỉ lệ chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi, sự chênh lệch giữa số DN thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang dần thu hẹp, gợi lên một vấn đề rất đáng suy ngẫm và không thể coi là chuyện bình thường.
Tại Bình Định, đến nay số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động còn cao. Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua của Sở Công Thương tại đối thoại của lãnh đạo tỉnh với các DN năm 2016 mới đây cho thấy, tính cả năm 2015, toàn tỉnh có 663 DN, quý I.2016 có 203 DN được thành lập mới. Tuy nhiên, số DN giải thể, tạm ngưng hoạt động lại chiếm 23,5% số DN được thành lập mới năm 2015 và 34% trong 3 tháng đầu năm nay.
“Quy mô hoạt động của DN còn nhỏ và chưa tiếp cận được các thị trường lớn. Trình độ công nghệ, trang thiết bị máy móc còn nhiều hạn chế, với trên 95% DN thuộc diện vừa và nhỏ nên thiếu vốn đầu tư. Chỉ khoảng 10,5% DN có trình độ công nghệ hiện đại, 18,5% DN khá hiện đại và đến 71% DN trung bình và lạc hậu” - Giám đốc Sở Công Thương Man Ngọc Lý phân tích.
Chật vật vay vốn
Vốn tự thân mỏng, các DN này sử dụng vốn tín dụng NH để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt vốn, cũng như tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn của mình. Tuy nhiên, lãi suất quá cao và khó tiếp cận vốn vay NH đang là những khó khăn sát sườn nhất, những rào cản khiến DN nhỏ cần vốn hơn ai hết lại khó tiếp cận vốn.
Anh Nguyễn Văn Khánh kinh doanh máy tính và linh kiện điện tử ở TP Quy Nhơn hơn 5 năm nay. Năm 2015, quyết định mở rộng kinh doanh nên anh tìm đến một số NH để vay tiền. Nhưng sau nhiều lần tìm hiểu, anh Khánh quyết định hoãn kế hoạch đầu tư với lý do: “Lãi suất 8-8,5%/năm là khá cao, cộng thêm áp lực trả nợ sớm nên cũng không dám mạo hiểm. Chưa kể, DN muốn vay còn phải có thế chấp tương ứng. Nói nhiêu khê thì chưa chính xác, nhưng thủ tục vay vốn rườm rà, phức tạp quá”.
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, bình quân lãi suất cho vay ở Việt Nam đang ở mức gần 8%/năm, cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực. Lý do được các NH đưa ra là nợ xấu chưa được xử lý tốt, buộc phải nâng mức dự phòng rủi ro. Thêm nữa, Chính phủ đang gấp rút huy động trái phiếu để bù đắp bội chi. Cộng hưởng các yếu tố này, NH thương mại khó có thể giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn nữa.
Tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh, trong rất nhiều ý kiến được “ký gửi” qua các sở, ngành và nêu trực tiếp tại diễn đàn có không ít bức xúc về vốn vay NH. Đại diện Công ty TNHH May Thành Hiệp “gửi” kiến nghị về một DN hoạt động trong lĩnh vực may gia công với đối tượng lao động đặc thù dành cho người khuyết tật, nhưng chưa được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước dành cho những DN vừa và nhỏ, cũng như nguồn vốn vay cho DN của người khuyết tật.
Còn ông Đinh Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa, cho hay vấn đề vốn đầu tư rất quan trọng đối với các DN. Ngay như vốn vay đầu tư vào KCN Nhơn Hòa hiện đang phải chịu lãi suất vay đến 11,4%. “Lãi suất vay cao, nhưng xin trả trước hạn thì NH không chịu, đòi… nộp tiền phạt” - ông Phước bức xúc.
Trong khi đó, ở vai trò là chủ một DN khác hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, ông Phước nêu câu chuyện cách đây 2 năm, tỉnh đứng ra làm “cầu nối” cho các DN xây dựng với NH để gỡ khó về vốn. Kết quả có 16 NH đồng ý cho các DN xây dựng vay. Nhưng lúc này, số DN được vay chẳng bao nhiêu khi các DN đang vướng nợ, bởi nhiều công trình xây dựng vốn nhà nước chưa được thanh toán.
THU HIỀN
Hiểu những bức xúc của các DN, trong bản kiến nghị gửi đến Chính phủ họp trực tuyến giữa Thủ tướng và các DN, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành NH nghiên cứu cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DN, bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân tiếp cận vốn với lãi suất phù hợp. Cần đưa nhanh Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa vào vận hành, hỗ trợ vốn cho DN. Đồng thời, có cơ chế thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam… Bình Định hiện có khoảng 5.500 DN, nhưng chủ yếu là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Phần lớn trong số này đều có nhu cầu vay vốn của NH để đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, thủ tục còn khá phức tạp dẫn đến rất ít DN được vay vốn.