Món măng “ngon, sạch, lạ” ở Tây Sơn
Đó là măng ngô (còn gọi là măng tre ngô rừng) hiện là sản phẩm “ngon, sạch, lạ” của lão nông Trần Thái (ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), đã được tiêu thụ phổ biến trên địa bàn huyện.
Lão nông Trần Thái giới thiệu sản phẩm măng ngô. Ảnh: Đ.M.T
Ông Thái kể, trong một lần đi kiểm tra, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, tình cờ phát hiện một vạt cây tre ngô rừng, ông bứng thử vài lùm thì thấy có măng tươi tốt, mọc ngầm dưới gốc tre. Ông liền khai thác măng này đem về sử dụng làm thực phẩm và nhận thấy nó rất ngon, lạ miệng. Ông tự đặt tên cho món thực phẩm này là “măng ngô”.
Hơn 7 năm qua, ông Thái cần mẫn nhân giống cây tre ngô rừng trên diện tích hơn 20 sào ở trang trại của mình và bán ra thị trường khoảng 50 kg măng ngô/ngày, với giá 35.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với măng tre thường. Riêng năm 2015, ông đã thu được 3 tấn măng ngô, doanh thu trên 90 triệu đồng.
Ông Thái chia sẻ: Cây trồng quen thuộc của nhà nông như mía, mì, cây ăn trái, rau củ… thường đầu tư công sức nhiều nhưng hay xảy ra sâu, bệnh hại; thị trường đầu ra bấp bênh. Thế nên, nhà nông phải sáng tạo theo hướng “ngon, sạch, lạ” từ chính cuộc sống, lao động sản xuất hàng ngày của mình. Như sáng kiến làm ra sản phẩm măng ngô của tôi là một ví dụ. Từ ngày nhân giống trồng đại trà, cây măng ngô tôi trồng chưa có dấu hiệu bị sâu bệnh. Do thường hay mất trộm măng, tôi nghiên cứu, sáng tạo thêm một giải pháp bảo vệ hữu hiệu là thu hoạch sớm hơn thường lệ, khi măng còn dưới mặt đất, vừa giữ cho cây tre ngô lâu cỗi, phát triển được nhiều năm, vừa chống trộm vặt.
ĐÀO MINH TRUNG