Báo động tật khúc xạ ở học sinh
Khúc xạ học đường hiện là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Ở Bình Định, các đề tài nghiên cứu của Bệnh viện Mắt tỉnh đã đưa ra những con số đáng báo động về mức phổ biến của tật khúc xạ (TKX) ở học sinh.
TKX là từ chung chỉ các tật cận thị, viễn thị và loạn thị của mắt, trong đó chủ yếu là cận thị chiếm tỉ lệ khá cao trong cộng đồng. Khi ta nhìn đồ vật thấy rõ nét, tức là mắt bình thường, ngược lại là mắt có thiếu sót ở các thành phần quang học.
Những con số đáng ngại
Năm 2011, Bệnh viện Mắt tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu TKX ở trẻ em lứa tuổi học đường tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định năm học 2011-2012” do Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Thanh Triết làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 27% học sinh 7-18 tuổi bị TKX. Tỉ lệ cụ thể ở học sinh cấp 1 là 18%, cấp 2 là 29% và cấp 3 là 41%.
Kỹ thuật viên khúc xạ Nguyễn Hồ Kim kiểm tra mắt cho học sinh.
Đến năm 2015, Bệnh viện Mắt tỉnh hoàn thành đề tài nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của bảng thử thị lực đơn giản trong việc sàng lọc TKX ở chương trình khúc xạ học đường tại TP Quy Nhơn”. Đề tài do thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Mắt tỉnh) làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện khảo sát trên 2.348 học sinh khối lớp 1 (6 tuổi), lớp 6 (11 tuổi), lớp 10 (16 tuổi) tại các trường nội thành TP Quy Nhơn.
Trong 2.308 phiếu điều tra hợp lệ đưa vào phân tích, có đến 487 học sinh đã đeo kính. Có nghĩa đã có đến 21% học sinh trong diện nghiên cứu đã mắc sẵn TKX. Tỉ lệ đeo kính cụ thể ở cấp 1 là 2%, cấp 2 là 28%, cấp 3 là 28%.
“Tỉ lệ đeo kính ở cấp 1 ít là do tỉ lệ mắc bệnh thấp. Hai cấp học còn lại tỉ lệ cao hơn do tỉ lệ mắc bệnh và cộng dồn từ những năm trước. Một nguyên nhân khác làm gia tăng tỉ lệ đeo kính là ở những cấp học lớn hơn, nhận thức về bệnh của học sinh cũng tốt hơn”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai lý giải.
Hiểu đúng để phòng TKX
Nguyên nhân của TKX có thể do bẩm sinh, di truyền - chiếm đến 60% các trường hợp bệnh. Số còn lại phần lớn là do tác động của các yếu tố môi trường, như thời gian và mức độ sử dụng mắt (làm việc bằng mắt quá nhiều trên 8 giờ/ngày và quá lâu, liên tục trên 2 giờ), cường độ ánh sáng quá tối và nhìn vật quá gần, sau phẫu thuật mắt hoặc chấn thương mắt. “Đặc biệt, tình trạng lạm dụng các thiết bị hiện đại như máy tính bảng, điện thoại thông minh, khiến nguy cơ mắc TKX với trẻ em ngày càng cao, độ tuổi mắc bệnh ngày càng thấp”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lai nhận định.
Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Đánh giá hiệu quả của bảng thử thị lực đơn giản trong việc sàng lọc tật khúc xạ ở chương trình khúc xạ học đường tại TP Quy Nhơn”, bảng thị lực đơn giản là một công cụ sàng lọc TKX học đường khá hữu hiệu. Nó thích hợp với những nơi có nguồn lực y tế hạn chế. Cán bộ không chuyên cũng có thể đảm trách công việc đo thị lực mà không cần phải được tập huấn.
Từng tham gia nhiều đoàn từ thiện khám mắt cho học sinh, người viết bài nhận thấy kiến thức về các bệnh liên quan đến mắt của học sinh và cả phụ huynh, nhà trường chưa cao, không hoàn chỉnh. Rất nhiều em bị TKX nặng, phải xin cô giáo cho ngồi gần bảng mới thấy chữ để học, nhưng chưa hề được khám sàng lọc và đeo kính. Bên cạnh đó là những em tuy có đeo kính, nhưng không được điều chỉnh kính kịp thời.
Theo bác sĩ Lai, TKX là một trong những nguyên nhân chính gây giảm thị lực có thể khắc phục được. Nếu được phát hiện sớm ở lứa tuổi nhỏ, nhất là đối với những trường hợp TKX nặng, chức năng thị giác vẫn được bảo tồn. Vấn đề cần thiết là phát hiện sớm TKX ở lứa tuổi này, tư vấn và điều trị thích hợp cho trẻ, nhằm tránh các trường hợp nhược thị do không được chỉnh khúc xạ đúng lúc, giảm thiểu gánh nặng cho xã hội sau này.
Để phòng các TKX - chủ yếu là cận thị, cần đảm bảo khi ngồi học, đọc, viết đúng tư thế, như ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn. Phải đảm bảo đủ ánh sáng, không đọc sách, làm việc bằng mắt ở khoảng cách gần liên tục quá lâu, quá nhiều. Sau 1 giờ đọc sách hoặc làm việc với máy tính, tốt nhất nên nghỉ 5-10 phút, xoa nhẹ mi mắt.
NGUYỄN VĂN TRANG