Cục Thống kê tỉnh Bình Định: 40 năm xây dựng và phát triển
Ngày 6.5.2016, Cục Thống kê Bình Định tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam, 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Thống kê Bình Định. Trong hành trình 40 năm xây dựng và phát triển của ngành Thống kê Bình Định, từ “vạn sự khởi đầu nan” đến những bước tiến dài của ngành Thống kê tỉnh, đều in đậm dấu ấn trong công cuộc đổi mới, phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Ký kết giao ước thi đua tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác của ngành Thống kê tỉnh.
Những dấu mốc đáng nhớ
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 5.1975, Tổng cục Thống kê điều động 6 cán bộ là con em Bình Định từ miền Bắc trở về quê hương tiếp quản và xây dựng ngành Thống kê tỉnh nhà. Tiếp đó, tỉnh Nghĩa Bình được thành lập, để nhanh chóng bắt kịp sự phát triển KT-XH, công tác thống kê cũng đòi hỏi có sự phát triển tương xứng. Ngày 5.11.1975, bộ phận thống kê trong Ủy ban Kế hoạch tỉnh được “ra riêng” thành lập Chi cục Thống kê Nghĩa Bình.
Thời điểm đánh dấu một bước trưởng thành về quy mô tổ chức, vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ công tác của ngành Thống kê là ngày 1.1.1983, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 295/CT-HĐBT về việc tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê. Tổng cục Thống kê đã ra quyết định đổi tên Chi cục Thống kê Nghĩa Bình thành Cục Thống kê tỉnh Nghĩa Bình và Tổ Thống kê huyện, thị xã đổi tên thành Phòng Thống kê huyện, thị xã. Đây là điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển của hệ thống Thống kê nhà nước tại địa phương.
Trải qua 40 năm, kể từ khi thành lập, Chi cục Thống kê tỉnh Nghĩa Bình, nay là Cục Thống kê Bình Định, đã trải qua nhiều thăng trầm và gắn liền với nhiệm vụ của Đảng và chính quyền địa phương. Ông Tạ Thành Nhân, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Định, nhớ lại, ngay sau khi ngành Thống kê được thành lập, nhiệm vụ của Chi cục Thống kê Nghĩa Bình là nhanh chóng tổ chức hệ thống hóa số liệu hợp nhất thống kê tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện những công việc ngành Thống kê hai tỉnh đã triển khai; bắt tay vào xây dựng kênh thông tin thống kê, nhanh chóng triển khai áp dụng hệ thống biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị cơ sở; tổ chức một số cuộc điều tra chuyên môn để tính toán các chỉ tiêu trong trồng trọt, chăn nuôi; tổng điều tra dân số 1976 phục vụ Tổng tuyển cử…
Đáng chú ý, Cục Thống kê tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc điều tra lớn có kết quả như: Tổng điều tra dân số năm 1989; tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và 2009; tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản các năm 1994, 2001, 2006, 2011; tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 1995, 2002, 2007, 2012; điều tra đời sống kinh tế hộ gia đình; điều tra vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; điều tra doanh nghiệp, trang trại và nhiều cuộc điều tra chuyên ngành khác. Nhờ vậy, nguồn thông tin thống kê cung cấp ngày càng phong phú, chất lượng thông tin cao hơn, trình độ kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp của cán bộ toàn ngành Thống kê Bình Định được nâng lên, đánh dấu một bước trưởng thành của ngành Thống kê Bình Định trong cơ chế mới.
Tiếp nối truyền thống
Ngày nay, môi trường pháp lý cho công tác thống kê đã được tăng cường với việc ban hành Pháp lệnh Kế toán và thống kê, Luật Thống kê, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được chú trọng củng cố và phát triển.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Thống kê Bình Định cũng đã được tăng cường đáng kể. Từ năm 1996 đến nay, Cục Thống kê Bình Định đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại. Mạng tin học diện rộng được áp dụng, chương trình phần mềm ứng dụng xử lý và tổng hợp số liệu hầu hết trong các cuộc điều tra thống kê. Hệ thống trang thiết bị đang ngày càng phát huy tác dụng tích cực, phục vụ đắc lực công tác của ngành.
Bên cạnh đó, cán bộ thống kê tuy giảm về số lượng so với thời kỳ đầu đổi mới nhưng chất lượng không ngừng tăng lên thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thống kê, chính trị, quản lý nhà nước, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... Phong trào thi đua trong ngành Thống kê Bình Định được duy trì và có bước phát triển hàng năm; phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến ứng dụng vào thực tiễn công tác đạt kết quả cao.
Hiện nay, ngành Thống kê Bình Định đang được tăng cường và phát triển theo định hướng Chiến lược phát triển ngành thống kê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1803/QĐ-TTg ngày 18.10.2011; Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 312/QĐ-TTg ngày 2.3.2010; cùng một số Đề án khác đang triển khai thực hiện.
Theo ông Tạ Thành Nhân, nhìn lại 40 năm xây dựng và phát triển, có thể nói đội ngũ công chức, người lao động ngành Thống kê Bình Định đã trải qua những chặng đường đầy khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng khó vượt qua. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Bộ KH&ĐT, mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, cùng với những nỗ lực, ý chí phấn đấu không mệt mỏi và sự quyết tâm cao của các thế hệ lãnh đạo, công chức, người lao động trong toàn ngành qua các thời kỳ, nên đã giành nhiều thắng lợi trong công tác. Qua đó, cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng, Chính phủ và cơ quan quản lý các cấp, các ngành, tạo nền tảng quan trọng để đánh giá phân tích và dự báo xu hướng phát triển KT-XH của tỉnh cũng như của từng ngành, góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, của các sở, ban, ngành.
“Nhiều tài liệu thống kê được công bố và xuất bản đã đáp ứng được yêu cầu thông tin của toàn xã hội. Những thông tin thống kê do ngành Thống kê công bố, cung cấp là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tin cậy và sử dụng” - ông Nhân nhận định.
Với những thành tích đạt được, Cục Thống kê Bình Định đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 3 Huân chương Lao động hạng Ba; 19 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh; 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh.
THU HIỀN