Ngọc Anh lên ngôi Hoa hậu các dân tộc VN
Người đẹp Thanh Hóa vượt qua 61 thí sinh trở thành người chiến thắng trong đêm chung kết cuộc thi nhan sắc tại Nhà hát Hội An, Quảng Nam tối 26.6.
Đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam bắt đầu từ 20h30 và kết thúc sau gần 3 tiếng đồng hồ. Các cô gái đến từ 39 tỉnh thành trong cả nước cùng nhau chào khán giả trong chiếc áo dài tinh khôi và bắt đầu cuộc đua nhan sắc qua ba phần thi Trang phục dân tộc, Áo tắm và Trang phục dạ hội. 18 gương mặt nổi bật được chọn ra, trong đó sáu người xuất sắc bước tiếp vào phần thi ứng xử. Năm thí sinh dân tộc Kinh gồm Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đặng Thị Hà, Trần Ngọc Nguyên Khánh, Nguyễn Thị Loan, Phạm Thị Thanh Tâm và thí sinh Lò Thị Minh dân tộc Xinh Mun cùng nhau bốc thăm để chọn ra vị giám khảo đặt câu hỏi cho mình.
Là người thi ứng xử đầu tiên nhưng Nguyễn Thị Ngọc Anh rất tự tin. Cô trả lời trôi chảy câu hỏi của Tiến sĩ sử học Trịnh Thị Thủy: “Tại sao tham gia cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam?”. Cô sinh viên Đại học Mở Hà Nội cho biết: “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần ba là cuộc thi nhan sắc quốc gia duy nhất năm 2013, dành cho 54 dân tộc anh em, tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tài năng, trí tuệ tâm hồn, là cơ hội kết chặt tình đoàn kết dân dộc. Đến với cuộc thi, các thí sinh có thể giới thiệu nét đẹp của dân tộc mình tới các bạn”.
Trước đó, Ngọc Anh cũng để lại ấn tượng đẹp với mái tóc xõa dài ngang hông, dáng đi uyển chuyển trong phần trình diễn trang phục dân tộc. Cô chọn chiếc áo dài trắng tha thướt với phần tay cách điệu. Những đóa sen nhỏ xinh kết trên chiếc mấn góp phần làm bừng sáng khuôn mặt của Ngọc Anh. Ở phần thi Trang phục dạ hội, cô gái xứ Thanh xuất hiện trong chiếc váy đuôi cá xanh mát, gợi cảm.
Cô được đánh giá là gương mặt sáng của cuộc thi ngay khi xuất hiện tại buổi họp báo lần đầu về Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đầu tháng 5 tại Hà Nội. Tuy nhiên, chiến thắng của cô gái cao 1,69m nặng 51kg, số đo ba vòng 84-60-89 vẫn làm nhiều người bất ngờ. Chính bản thân Ngọc Anh cũng không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi nhận được sự chúc mừng từ các thí sinh và người thân.
Lò Thị Minh giành ngôi Á hậu 1. Cô gái dân tộc Xinh Mun cao 1,65m, số đo ba vòng 85-65-89 gây chú ý khi mang đến phần thi Trang phục truyền thống chiếc váy nhung đen và áo chẽn đỏ bằng nhung, đặc trưng của mảnh đất Điện Biên quê hương cô.
Sở hữu chiều cao vượt trội 1,74m và số đo ba vòng 90-63-93 nhưng Nguyễn Thị Loan chỉ nhận được ngôi Á hậu 2. Người đẹp Thái Bình luôn nổi bật trong các phần thi với kinh nghiệm sân khấu và khả năng trình diễn catwalk. Chân dài 23 tuổi cũng trả lời trôi chảy câu hỏi ứng xử, không mắc lỗi như tại chung kết Hoa hậu Việt Nam 2010. Tuy nhiên cô thiếu sự tươi mới, trẻ trung so với các ứng viên còn lại.
Cô gái đến từ mảnh đất Lâm Đồng, Trần Ngọc Nguyên Khánh giành giải Người đẹp Thân thiện. Danh hiệu Người đẹp xứ Quảng thuộc về thí sinh chủ nhà Quảng Nam Đặng Thị Hà. Người đẹp Du lịch thuộc về Phạm Thanh Tâm, cô công an của thành phố Cần Thơ.
Cả sáu người đẹp top 6 đều nhận được vương miện với những giá trị khác nhau. Người trao vương miện cho Hoa hậu là Quý bà Đoàn Kim Hồng - Phó ban tổ chức. Á hậu 1 nhận vương miện từ Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đầu tiên Hoàng Nhung. Trong khi đó, Hoa hậu đăng quang cuộc thi lần hai Triệu Thị Hà không xuất hiện.
Cuộc thi còn dành sự tôn vinh với hai người đẹp dân tộc Kinh trùng tên. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Quảng Bình) nhận danh hiệu Người đẹp tài năng. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Hải Phòng) với chiều cao 1,77m, cao nhất cuộc thi trở thành Người đẹp Biển. Danh hiệu Người trình diễn trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất thuộc về Đinh Thị Thùy Trang, dân tộc H’Re, đến từ tỉnh Quảng Ngãi. Người đẹp Ảnh thuộc về Vũ Trần Triều Thu dân tộc Kinh, thí sinh từng dự thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011.
Đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ ba cũng chính là đêm bế mạc của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V. Sân khấu Nhà hát Hội An mang đậm dấu ấn hai di sản của tỉnh Quảng Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới: Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. Cùng với đó là hoa văn chim lạc, những thửa ruộng bậc thang của vùng Tây Bắc, hình ảnh cách điệu những chiếc cồng chiêng Tây Nguyên mang lại nét giao hoà của văn hoá truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Là đêm lên ngôi của nhan sắc, nhưng phần nghệ thuật cũng được Ban tổ chức xây dựng khá công phu, với sự góp mặt của những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam với Đợi chờ, Tùng Dương với Trăng vàng, Hồ Quỳnh Hương với Tình yêu, Hoàng Quyên với Lọ Lem và những gót sen. Bên cạnh đó, dàn diễn viên múa cũng cống hiến tới khán giả điệu múa Đèn lồng với hình ảnh những cô gái trong trang phục áo dài truyền thống, tóc chải bồng, mang nét của Hội An thế kỷ 19 hay Thiếu nữ dệt mây khắc hoạ vẻ đẹp của thiếu nữ Cơ Tu trong lao động và cuộc sống.
. Theo Ngọc Trần (VnExpress)