“Hồn tháp”: Cảnh tỉnh về bảo tồn văn hóa dân tộc
Thông qua câu chuyện trùng tu tháp cổ, “Hồn tháp” (kịch bản: Văn Trọng Hùng, chuyển thể: NSƯT Tấn Hào, đạo diễn: NSND Hoài Huệ) - vở diễn mới nhất của Ðoàn Ca kịch bài chòi Bình Ðịnh - gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng làm dối, làm ẩu… trong bảo tồn văn hóa dân tộc.
Cảnh trong vở “Hồn tháp” tại đêm công diễn tổng duyệt tối 30.4 tại hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Trùng tu di tích đi vào sân khấu bài chòi
“Hồn tháp” kể về tình yêu sâu nặng với tháp cổ quê hương của Chế Biên Thành, một người con của dân tộc Chăm, cử nhân Bảo tàng học, kỹ sư, đội trưởng đội thi công trùng tu tháp Chăm. Chút am hiểu về tháp Chăm và hơn hết là tình yêu mãnh liệt với tháp như một linh tính mách bảo đã khiến Thành mơ hồ nhìn thấy việc thi công trùng tu theo thiết kế có gì đó không ổn, “chông chênh”, “không giống với tháp gốc”... Thành càng cảm thấy vững tin vào phát hiện của bản thân khi tháp trùng tu bất ngờ bị đổ chỉ sau một trận mưa gió lớn. Quyết tìm ra nguyên nhân, anh cho tạm dừng thi công và dốc toàn tâm, toàn lực để tìm hiểu, nghiên cứu và cuối cùng anh đã tìm ra “chìa khóa” trùng tu thể hiện trong bản thiết kế mới do chính anh vẽ nên.
“Theo thời gian, rất nhiều thứ có thể mất đi, nhưng bản sắc văn hóa, những giá trị trầm tích theo lịch sử của dân tộc mãi trường tồn”
Tuổi thơ lớn lên bên tháp cổ, tình yêu cổ tháp đã ngấm vào Thành. Đến lúc trưởng thành, đi làm, anh lại đảm nhận việc trùng tu tháp. Điều này như một nhân duyên khiến trong trí tưởng tượng của Thành, thế giới Chăm xa xưa, kỳ bí thường xuất hiện, nhất là trong khoảng thời gian nhân vật này chuyên tâm tìm hiểu để khám phá ra cách trùng tu tháp. Nơi công trường với bao thanh âm huyên náo, duy chỉ có Thành cảm nhận được “tiếng rì rầm từ ngàn xưa vọng lại”, “những bóng người xưa thấp thoáng ẩn hiện bên tháp”, cả lời cảnh báo “dừng lại trước khi quá muộn”… Bản thiết kế mới ra đời là kết quả của quá trình tận lực nghiên cứu.
Trong “Hồn tháp”, Thành được trở về thế giới Chăm xưa, được các vị thần của nền văn hóa ấy, vì thấu cảm tấm lòng yêu tháp của anh, mà chỉ dẫn cách trùng tu. Tình tiết huyền ảo đan vào thực tế đam mê nghiên cứu của Thành khiến diễn biến kịch không khiên cưỡng, mà ngược lại, làm vở diễn thêm mềm mại.
Trùng tu tháp theo thiết kế mới đã hồi sinh tháp cổ mà vẫn giữ được “hồn tháp”. Tuy nhiên, điều này khiến Thành bị kỷ luật vì “làm sai nguyên tắc”. Không chỉ vậy, sau những lần bị tai nạn trong quá trình thi công, nhất là lần mạo hiểm lên đỉnh tháp để trùng tu phần khó nhất; sau những tháng ngày lao tâm khổ tứ tìm cách trùng tu sao cho vừa đảm bảo độ bền vững của công trình vừa giữ được nguyên bản, đã khiến Thành kiệt quệ. Kết thúc vở diễn, ngày khánh thành trùng tu tháp, giới nghiên cứu, truyền thông quốc tế ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của tháp trùng tu cũng là ngày Thành vĩnh viễn ra đi…
Đồng hành với Thành trên con đường gian khổ bảo tồn văn hóa dân tộc còn có Lan - cô công nhân mài gạch chung công trường và nhiều công nhân ở đấy - những người trân trọng di sản văn hóa của tiền nhân theo cách bình dị của riêng họ.
Một lời cảnh tỉnh
Đối lập với Thành là Đạt, đội phó - cấp dưới, một người làm dối, làm ẩu, đại diện cho thành phần “sâu mọt”, thực dụng, cơ hội. Tương tự, tuyến nhân vật phản diện còn có Hoàng - giám đốc công ty thi công trùng tu tháp, đã không làm đúng, làm tròn chức trách của người lãnh đạo: Năng lực chuyên môn yếu, bàng quan với di sản văn hóa dân tộc, năng lực quản lý kém, quan liêu, cứng nhắc khi xử lý việc phát sinh…
Câu chuyện trùng tu tháp Chăm được nói đến trong “Hồn tháp” hay rộng hơn là vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, nếu không có những người dám đấu tranh với cái xấu như Thành, Lan, thật không khó dự báo hậu quả: Di sản sẽ bị mai một, bản sắc văn hóa bị lệch lạc. “Theo thời gian, rất nhiều thứ có thể mất đi, nhưng bản sắc văn hóa, những giá trị trầm tích theo lịch sử của dân tộc mãi mãi trường tồn” - đây là chủ đề được nhấn mạnh trong vở diễn.
Trong tác phẩm, nhân vật Thành được xây dựng như một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại. Tình yêu tháp của Thành hay nói rộng hơn là tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc của người công dân yêu nước chân chính là chất keo kết dính quá khứ với hiện tại, cũng là “chìa khóa” để nhân vật tìm ra bí quyết bảo tồn di sản ngàn xưa để lại. Sự cố công tìm hiểu, nghiên cứu của nhân vật và kết quả tựu thành cuối cùng cho thấy, chỉ khi tình yêu đủ lớn, đủ mạnh cùng sự tận tâm, tận lực, mới có thể hiểu được quá khứ. Và khi ấy, quá khứ sẽ “chỉ dạy” cho người đời nay cách thức, bài học để giữ gìn di sản cho muôn đời.
Vở diễn kết thúc xúc động, chàng trai yêu tháp cổ của quê hương đến quên mình. Sự hi sinh ấy như một thông điệp, rằng công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc vô cùng gian nan, phải đánh đổi không chỉ mồ hôi, nước mắt mà đôi khi cả máu xương, tính mệnh…
SAO LY
“Thực hiện được ước mơ làm một vở về đề tài văn hóa Chăm…”
Trong đời đạo diễn gần 20 năm của mình, đây là vở diễn “hóc búa” nhất mà tôi gặp phải. Song từ lâu, tôi đã rất muốn làm một vở kịch về văn hóa Chăm, đặc biệt là văn hóa Chăm trên đất Bình Ðịnh. Vậy nên, khi có được một kịch bản rất hay, dẫu biết rất khó dựng nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Vở diễn đã ra đời như vậy, tôi thật sự thở phào, hài lòng, thật sự chỉ mong như thế. Thú thật, trong quá trình dàn dựng, thời gian đầu, có lúc tôi gần như bế tắc, bấn loạn vì khó quá.
Cuộc chiến đấu giữa Thành và Ðạt chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa một người làm dối và một người làm thật, chưa đủ để tạo tính kịch… Làm sao để tôn lên được chủ đề: Sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc hết sức gian khổ, đánh đổi không chỉ mồ hôi, nước mắt và cả sinh mệnh. Ðồng thời, đây là vở diễn đi thi, việc dàn dựng phải chú ý để tạo ra đất diễn cho diễn viên thể hiện tài năng diễn xuất của mình.
NSND HOÀI HUỆ