“Con rối tha hương”: Nhìn người Việt cảm thông, trìu mến
“Cuốn sách đã cho tôi một bài học lớn về sự bao dung” - dịch giả Lê Quang chia sẻ về “Con rối tha hương” - cuốn tiểu thuyết do ông chuyển ngữ. “Trên đất Đức, trong những năm trước đây, đã có lúc tôi không dám bắt chuyện với chính những đồng bào mới gặp trên đường vì sợ bị hiểu lầm là… đang buôn hàng lậu”.
Nữ tác giả Karin Kalisa không kịp sang Hà Nội để tham dự buổi ra mắt tiểu thuyết “Con rối tha hương” vào tối 5.5 tại Viện Goethe. Bù lại, có cả dịch giả Lê Quang và diễn giả thứ hai, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đều là những người sống tại Đức lâu năm.
Karin Kalisa, một phụ nữ Đức, đã chọn cộng đồng người Việt làm đề tài cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Chỉ dày hơn 200 trang, chỉ viết về một gia đình Việt kiều, “Con rối tha hương” (Alpha Books và NXB Văn học ấn hành) dựng lại câu chuyện của cả một thế hệ người Việt đi ra từ chiến tranh.
Họ sang nước Đức lao động từ thời bức tường Berlin còn tồn tại. Họ trải qua những ngơ ngác mất hướng khi nước Đức thống nhất. Họ sản sinh ra một thế hệ người Việt mới, lớn lên tại Đức với bao giằng xé giữa sự hòa nhập văn hóa và những suy nghĩ về nguồn cội, với những khoảng trống khó có thể lấp đầy của các thế hệ trong mỗi gia đình.
Cộng đồng ấy, dưới ngòi bút của Kalisa, hiện lên sống động và chân thực. Ở đó, có sự trìu mến và cảm thông từ cái nhìn của một tác giả nữ. Và có cả sự duyên dáng, sắc sảo khi nhắc tới cộng đồng người Việt với
những nhược điểm cố hữu trong cuộc sống tha hương - cái nhìn mà các diễn giả công nhận là… rất chuẩn xác.
“Đọc những đoạn ấy, một người đề cao tính dân tộc như tôi vẫn tủm tỉm cười. Đó không phải là sự chì chiết của một nhà văn bản địa” - nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét. “Ngược lại, ẩn sau nét hài hước của tác giả, chúng ta vẫn thấy rõ sự yêu thương, chân tình giữa con người với con người”.
Yêu thương, nên đoạn kết của “Con rối tha hương” được hai diễn giả nhận xét là ít nhiều mang màu sắc “cổ tích” giữa cuộc đời thực. Chân tình, nên như để đáp lại cách nhìn của Kalisa, cả hai diễn giả đều sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện và suy nghĩ rất riêng tư của mình tại cuộc tọa đàm.
“Đọc sách, tôi càng tin vào một suy nghĩ cố hữu: cái bản chất tốt đẹp rất người, rất Việt tính chưa bao giờ chết trong những con người buộc phải rời xa Tổ quốc”- nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét.
(Theo Cúc Đường/Thể thao & Văn hóa)