Khai thác thủy sản bằng các “nghề cấm”: Vi phạm nhiều, xử lý chưa bao nhiêu
Tình trạng người dân sử dụng xung điện, xiếc máy (XÐXM), chất độc, chất nổ, lưới lồng… để khai thác thủy sản (KTTS) theo kiểu hủy diệt (gọi tắt là nghề cấm) trên các đầm phá, vùng ven biển tại một số địa phương trong tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của ngành chức năng và chính quyền sở tại còn lỏng lẻo.
Nạn XĐXM đang tái diễn rầm rộ trên đầm Đề Gi (ảnh chụp tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát).
Xử lý… nhỏ giọt
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), năm 2015, Thanh tra Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Đồn Biên phòng và các địa phương ven biển tổ chức 188 chuyến tuần tra, kiểm soát tình trạng người dân sử dụng các phương tiện mang tính hủy diệt để KTTS trên các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ và các vùng biển ven bờ. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 55 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt là 69,5 triệu đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã tổ chức 25 chuyến tuần tra, kiểm soát. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 24 vụ vi phạm, số tiền xử phạt là 21,6 triệu đồng; trong đó, đã tịch thu 1 bộ lưới và 1 cặp gọng của 2 tàu hoạt động XĐXM trên đầm Thị Nại. Lực lượng chức năng cũng đã ngăn chặn 42 trường hợp cào nghêu hoạt động ở vùng giáp ranh giữa xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước).
Số vụ vi phạm bị xử phạt so với thực tế vẫn rất ít, bởi chỉ cần đi một lượt trên khu vực đầm Đề Gi thuộc địa bàn hai xã Cát Minh và Cát Khánh (huyện Phù Cát) vào một ngày đầu tháng 5.2016, chúng tôi đã đếm được có tới gần 40 phương tiện XĐXM, phần lớn là ghe nhỏ công suất từ 5-20CV được trang bị gọng xiếc đang hoạt động công khai trên đầm. Tại đầm Thị Nại, thuộc địa bàn xã Phước Thuận, cũng có hàng chục ghe máy còn mang nguyên gọng xiếc đậu tại các bến Lộc Đông (thôn Lộc Hạ); Ân Tân, Đông Phường (thôn Nhân Ân). Ban ngày, các ghe này nằm yên, chờ khi triều rút, đêm xuống mới cào, ủi, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Qua khảo sát của ngành Thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 hộ gia đình đang sử dụng trên 80.000 chiếc lồng lưới nhỏ để KTTS, tập trung tại các xã ven đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), các xã khu Đông huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Do lưới lồng có mắt lưới khá nhỏ (từ 8-12mm) với mật độ vị trí đặt lưới quá dày, nên khi sử dụng các lưới lồng này để KTTS, các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ hầu như đều bị vét kiệt.
Nạn KTTS bằng chất nổ trên vùng biển thuộc các xã Nhơn Lý, Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) hay Mỹ Thọ (Phù Mỹ) cũng đang khiến ngư dân và chính quyền địa phương lo lắng.
Lực lượng chức năng thiếu cương quyết, ra quân kiểu phong trào?
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: “Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các “nghề cấm” trong KTTS ở các địa phương ven đầm, biển trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả. Nhận thức của một số cán bộ, ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đầy đủ; lực lượng chức năng còn ngại va chạm. Trong khi đó, việc phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng sử dụng nghề cấm rất khó khăn vì các đối tượng này hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp”.
Trên thực tế, có những trường hợp đối tượng vi phạm manh động, chống đối lại lực lượng tuần tra kiểm soát. Mặt khác, lực lượng Thanh tra của Chi cục hiện không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này; các vụ việc vi phạm đều phải chuyển cho các cơ quan liên quan hoặc tham mưu đề xuất với Thanh tra Sở NN&PTNT xử lý. Do vậy, hiệu quả răn đe bị chậm, giảm hiệu lực.
Ở góc độ địa phương, ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), cho rằng: “Vì cái lợi trước mắt nên một số ít người dân vẫn lén lút hành nghề XĐXM và công khai sử dụng lưới lồng trên đầm Thị Nại để KTTS. Một vài đơn vị có liên quan xử lý chưa cương quyết, ra quân mang tính phong trào, không làm đến nơi đến chốn”.
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn
Ông Trần Kim Dương nhìn nhận: “Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn việc KTTS bằng “nghề cấm” nhưng xin nói thật là rất khó để ngăn chặn tận gốc bởi trang thiết bị và nhân lực của Chi cục còn hạn chế. Vì vậy, để ngăn chặn và giảm bớt vấn nạn trên, cần sự tham gia tích cực của các địa phương ven biển và các ngành chức năng, trong đó, vai trò của các địa phương là chủ yếu”.
Thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30.7.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để KTTS, Chi cục Thủy sản đang xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gồm: Điều tra, chốt danh sách các đối tượng vi phạm; tuyên truyền, giáo dục, vận động ngư dân ký cam kết không sử dụng nghề cấm; tăng cường tuần tra, kiểm soát; tổ chức cưỡng chế…
Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, ngăn chặn tình trạng dùng chất nổ KTTS, Chi cục Thủy sản đã làm việc với UBND các xã Nhơn Châu, Nhơn Lý và sắp đến sẽ làm việc với UBND xã Mỹ Thọ... nhằm củng cố các đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở. Đối với các tàu thuyền ngoài tỉnh dùng chất nổ KTTS trên vùng biển Quy Nhơn, Chi cục sẽ thông báo đến các Chi cục Thủy sản của các tỉnh lân cận để tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra; đồng thời, sẽ làm việc với Chi cục Thủy sản Phú Yên để phối hợp tuần tra, kiểm soát trên vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh...
TRỌNG LỢI