Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Chủ động thu hút học sinh đến tham quan
Xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là góp phần thực hiện công tác giáo dục học sinh, mấy năm gần đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã nỗ lực chủ động thu hút đối tượng này đến tham quan, học tập ngoại khóa.
1.
Những năm qua, Bảo tàng đã chủ động gửi hàng loạt thư ngỏ đến các trường học, mời cán bộ, giáo viên đưa học sinh đến tham quan, học tập ngoại khóa tại Bảo tàng.
Học sinh Trường Mầm non 8.3 (TP Quy Nhơn) tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Những lá thư ngỏ đầy ý nghĩa đã nhanh chóng phát huy tác dụng, khi ngày càng có nhiều trường học ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đặn đưa học sinh đến với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Điều đáng vui là không chỉ có học sinh THPT, THCS mà còn có cả nhiều học sinh tiểu học, thậm chí cả các cháu ở các trường mầm non. Tất cả các em đã trở thành những vị khách đặc biệt được lưu tâm tại Bảo tàng.
Để tạo sự sinh động, lôi cuốn khách tham quan nói chung và đặc biệt là đối tượng học sinh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cố gắng chỉnh trang, nâng cấp các gian trưng bày, luân chuyển và thường xuyên đưa những hiện vật mới vào trưng bày.
Bên cạnh những mảng trưng bày khá phổ biến mà bảo tàng các tỉnh khác cũng có như thiên nhiên, sản vật, thắng cảnh nổi tiếng (phòng Đất nước – Con người); hiện vật, tài liệu, hình ảnh về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (phòng Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ); Bảo tàng Tổng hợp tỉnh còn có những mảng trưng bày khá đặc trưng về văn hóa Sa huỳnh thời tiền sử, điêu khắc kiến trúc Chăm pa…tạo sự đa dạng, thu hút các em khi tham quan.
Tại gian trưng bày hiện vật điêu khắc Chăm pa, rất nhiều học sinh đã thích thú với những bức tượng, phù điêu chạm khắc lạ mắt, liên tục đặt câu hỏi với thuyết minh viên về những tên tượng phiên dịch theo tiếng Phạn rất khó ghi nhớ và những câu chuyện kể xoay quanh các vị thần trong Ấn Độ giáo thể hiện qua các hiện vật.
Một gian trưng bày khác cũng thu hút sự chú ý của nhiều học sinh đó là phòng trưng bày “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ”. Những hình ảnh xúc động về Bác, cùng nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác đã giúp cho các em thêm hiểu biết, kính trọng để từ đó có thêm ý thức phấn đấu trong học tập và rèn luyện đạo đức.
Điều này xuất phát từ việc các em đến với Bảo tàng với niềm hứng thú, xem những hình ảnh hiện vật trưng bày như những chân trời tri thức mới lạ cần khám phá, nên hầu hết rất chăm chú nghe các cô thuyết minh. Nhiều em học sinh còn chăm chỉ ghi chép những lời thuyết minh hay về các hiện vật, hình ảnh để làm tư liệu. Tất cả những điều này đã tạo thêm động lực cho các thuyết minh viên của Bảo tàng say sưa “thả hồn” vào những lời thuyết minh.
Tham khảo ý kiến cán bộ, giáo viên của các trường, nhất là các thầy cô dạy môn Lịch sử, đều đánh giá cao gian trưng bày hình ảnh, hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giúp các em hình dung được truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, đất nước. Thông tin từ đây còn giúp các em bổ sung nhiều kiến thức mới về lịch sử địa phương, hoàn chỉnh kiến thức được học ở trường lớp.
Nhiều trường sau chuyến tham quan đã cho các em viết bài ghi nhận cảm xúc, ấn tượng, những kiến thức thu nhận được về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nói chung, hay các hình ảnh, hiện vật, câu chuyện được nghe về những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông. Cách làm này phần nào giúp học sinh tìm được sự thú vị khi học môn Lịch sử, giúp những tiết học trên lớp thêm sinh động.
Những chuyến tham quan, học tập ngoại khóa ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã góp phần giúp cho học sinh thêm những hiểu biết về quê hương, đất nước, truyền thống đấu tranh cách mạng và truyền thống văn hóa - lịch sử của quê hương Bình Định. Hiểu được điều này, cán bộ và nhân viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh càng thêm lưu tâm phục vụ “những vị khách đặc biệt”.
NGUYÊN VIỆT
Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP Hà Nội đã từng tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Bảo tàng với công tác giáo dục học sinh phổ thông”. Các cán bộ bảo tàng, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục và đại diện một số trường phổ thông tham gia Hội thảo đã nhấn mạnh cần đưa nội dung tham quan bảo tàng vào chương trình giáo dục ngoài nhà trường của ngành giáo dục. Bên cạnh đó, các bảo tàng cần có sự sáng tạo các hình thức hoạt động nhằm thu hút nhiều hơn học sinh đến tham quan, như: xây dựng các phòng, khu vực khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu riêng cho học sinh. Tổ chức chương trình giáo dục cho học sinh theo chuyên đề trưng bày của bảo tàng. Tổ chức các cuộc thi, các hoạt động truyền thống cho học sinh tại bảo tàng. Sử dụng nội dung trưng bày của bảo tàng trong việc dạy và học lịch sử, thông qua các hiện vật, hình ảnh tạo sự sinh động, lôi cuốn hơn học sinh đối với môn lịch sử.
Đọc xong bản tin người dân muốn đến bảo tàng nhưng không biết bảo tàng ở đâu mà đến !