Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu: Mối lo cạnh tranh không lành mạnh từ DN nước ngoài
Một trong những thách thức đối với nền kinh tế tỉnh Bình Định trước sự mở rộng ngày càng lớn của thị trường là “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) còn yếu. Cùng với đó là mối lo cạnh tranh không lành mạnh từ các DN nước ngoài. Thực tế đó đòi hỏi nhiều giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và sự “tự vệ” từ chính DN địa phương.
Mối nguy hiện hữu
Tại tọa đàm DN với lãnh đạo tỉnh cuối tháng 4.2016, bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định - đề cập thẳng mối lo thương nhân Trung Quốc sang Bình Định mua nguyên liệu chế biến thủy sản. Họ tới tận ao mua tôm, tới tận cảng cá chờ tàu cá cập bến và mua với giá cao nên các DN trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. “Những mặt hàng được thương nhân Trung Quốc thu mua nhiều là các loại cá đánh bắt gần bờ và tôm nguyên liệu. Không thể cạnh tranh nổi với giá nguyên liệu chế biến thủy sản đẩy lên cao, nên 5- 7 năm nay chúng tôi phải bỏ luôn thị trường cá đánh bắt gần bờ, chuyển hẳn sang nguyên liệu đánh bắt xa bờ. Còn các đơn vị chế biến tôm cũng buộc phải thu gom nguyên liệu từ các nơi khác mới đủ làm đơn hàng” - bà Lan cho hay.
Người dân thu hoạch tôm nuôi tại xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Việc thương lái Trung Quốc sang tận các vùng nuôi tôm trong tỉnh để thu mua tôm nguyên liệu của Việt Nam với số lượng lớn, giá cao, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của các DN trong tỉnh không phải là chuyện mới. Còn nhớ năm 2013, thương lái Trung Quốc đã ồ ạt mua tôm nguyên liệu tại nhiều địa phương - trong đó có Bình Định - với giá cao, số lượng lớn nhưng không hề có giấy phép, phá rối thị trường. Lúc bấy giờ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải phát công văn gửi các bộ và cơ quan chức năng, báo cáo khẩn tình trạng này.
Bên cạnh sản xuất thủy hải sản, các DN, thương gia Trung Quốc cũng là mối lo của ngành gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nhận định, vì ô nhiễm môi trường lớn nên ngành gỗ không được khuyến khích phát triển tại Trung Quốc, nhất là tỉnh Quảng Đông. Từ đó, các DN ngành gỗ Trung Quốc có sự chuyển dịch đầu tư ra nước ngoài. Với công nghệ và thiết bị cũ, DN Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Trong khi đó, cũng tại diễn đàn đối thoại với các DN, ông Đào Văn Khôi, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho hay, các DN chế biến gỗ của Việt Nam hiện nay phải nhập đến 4 triệu m3 gỗ/năm, chiếm 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá nhập khẩu gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng. Các DN chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần do không thể cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia…
Cẩn trọng phòng ngừa
Trước mối nguy hiện hữu đó, Hiệp hội Gỗ Việt Nam đã kiến nghị lên Bộ NN&PTNT quan tâm, cân nhắc đến việc hoạt động của DN Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, các DN này vẫn tiếp tục đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam, rất phổ biến ở Bình Dương và Đồng Nai.
Tại Bình Định, các DN gỗ trong tỉnh cũng đã họp và ra thông báo không tiếp các DN Trung Quốc đến tìm hiểu sản xuất kinh doanh ngành gỗ. “Sự chuyển đổi của ngành gỗ Bình Định đang rất chậm chạp. Công nghệ chế biến của ngành gỗ mình khác xa nhiều lắm với các nước nên năng lực cạnh tranh thấp. Chúng tôi mong UBND tỉnh không khuyến khích, hoặc cấp đất cho các DN Trung Quốc đầu tư về ngành gỗ” - ông Đỗ Xuân Lập phân tích.
Để góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn nguyên liệu, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho các DN trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép.
Ở chiều ngược lại, theo ông Man Ngọc Lý - Giám đốc Sở Công Thương - mỗi DN phải mạnh dạn tự đánh giá thực trạng tình hình, xác định cụ thể các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan; xác định rõ chiến lược và mục tiêu phát triển để xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và kiên định thực hiện mục tiêu đó. Trong đó, từng phương án sản xuất kinh doanh nên có tính mở, phải linh hoạt để chủ động thích nghi theo diễn biến của tình hình thị trường.
Còn ông Đào Văn Khôi thì cho rằng, từng DN cần cải tiến phương pháp quản trị lao động bằng cách nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ để thay thế bớt lao động. Chính sự gia tăng công nghệ cũng làm chất lượng sản phẩm ổn định hơn. Ngoài ra, cũng cần chú trọng hiệu quả sử dụng nguyên liệu.
MAI HOÀNG