Thực hiện Dự án Quản lý thiên tai: Góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Ông Đặng Công Chính.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án (DA) Quản lý thiên tai (QLTT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn, nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai vùng hạ du lưu vực sông Côn - Hà Thanh. PV Báo Bình Định phỏng vấn ông Đặng Công Chính - Phó Trưởng Ban Quản lý DA QLTT thuộc Sở NN&PTNT - về DA này.
* Xin ông cho biết kết quả thực hiện DA QLTT trên địa bàn tỉnh ta đến thời điểm này?
- Bình Định là 1 trong 10 tỉnh khu vực miền Trung được Bộ NN&PTNT chọn tham gia DA QLTT do WB tài trợ vốn; nhằm thực hiện đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông vùng hạ du lưu vực sông Côn - Hà Thanh. Thời gian thực hiện DA từ năm 2013-2018, chia làm 2 giai đoạn.Tổng mức đầu tư DA tại tỉnh ta trên 178 tỉ đồng, gồm vốn vay WB gần 157,5 tỉ đồng, vốn đối ứng gần 21 tỉ đồng. DA gồm 3 hợp phần: Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai; quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả DA.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, DA đã hoàn thành giai đoạn 1 gồm: sửa chữa, nâng cấp gần 5,57 km đê sông Côn trên địa bàn thị xã An Nhơn và Tuy Phước, bao gồm 4 tuyến đê: Tân Dân - Tân Dương tại xã Nhơn An dài gần 1,9 km; đê Sông Nghẹo tại xã Nhơn Hậu dài 1,56 km; đê Thắng Công tại xã Nhơn Phúc dài gần 1,1 km và đê hạ lưu cầu Bà Gi tại xã Phước Lộc dài 1,04 km. Tổng vốn đầu tư các hạng mục trên gần 53 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, DA còn hỗ trợ kinh phí xây dựng 7 nhà tránh trú bão lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng tại xã Phước Lộc, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc. Tập huấn kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai, diễn tập phòng chống thiên tai, chằng chống nhà cửa, sơ tán di dời dân, cứu hộ, cứu nạn người dân vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. DA còn hỗ trợ công tác tuyên truyền, in tờ rơi, lắp dựng bổ sung các biển báo, pa nô, áp phích tại các vùng nước lũ chảy xiết nguy hiểm, trang bị xuồng cứu hộ, cứu nạn cho người dân vùng bão lụt…
* Qua thực hiện giai đoạn 1, DA QLTT đã mang lại những hiệu quả gì đối với người dân địa phương?
- Qua đánh giá của ngành chức năng và chính quyền địa phương, việc hoàn thành giai đoạn 1 của DA đã từng bước kiên cố hệ thống đê sông Côn và đê sông Hà Thanh, ngăn nước lũ xâm thực gây xói lở bờ sông, bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất canh tác, tài sản của hàng ngàn hộ dân tại các xã Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, Nhơn An (thị xã An Nhơn) và xã Phước Lộc (Tuy Phước).
Một đoạn đê sông Côn thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) vừa được nâng cấp kiên cố. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các hoạt động của DA, ngành chức năng còn tổ chức các đợt diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho người dân địa phương. DA còn hỗ trợ cải thiện hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo lũ sớm nhằm tăng cường năng lực cho các đơn vị dự báo khí tượng thủy văn; giúp thu thập, xử lý và phổ biến thông tin về mưa lũ, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể chủ động ứng phó với thiên tai một cách kịp thời và hiệu quả hơn.
Cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp được BQL DA đào tạo nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai. Thông qua các lớp tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai, lực lượng xung kích tại địa phương được rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai tốt hơn. Nhìn chung, kết quả thực hiện DA được nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
* Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 của DA QLTT như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 của DA QLTT trình Bộ NN&PTNT và nhà tài trợ thẩm định; đồng thời tỉnh cũng đang phê duyệt lựa chọn nhà thầu để thực hiện các tiểu DA giai đoạn 2. Đáng quan tâm là trong 2 năm (2016-2017), DA sẽ đầu tư trên 77,6 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa cống lấy nước và tràn xả lũ hồ chứa nước Núi Một thuộc xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn). Hỗ trợ gần 30 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông, nhà tránh trú bão trên địa bàn 6 xã tiếp theo gồm: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Khánh, Nhơn Phong (thị xã An Nhơn); xã Phước Quang và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước).
Ngoài các hạng mục trên, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 6 tiểu DA thuộc giai đoạn 2 với kinh phí thực hiện 245,5 tỉ đồng. Cụ thể gồm: DA cấp nước sinh hoạt xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, vốn đầu tư 40 tỉ đồng; DA kết nối kênh Văn Phong với khu tưới, vốn đầu tư 45 tỉ đồng; DA xây dựng kè Bằng Châu - Thanh Liêm vốn đầu tư 40,5 tỉ đồng; DA nâng cấp đê, kè và đập dâng ngăn mặn An Thuận, vốn đầu tư 45 tỉ đồng; DA cấp nước sinh hoạt xã Bình Thuận, vốn đầu tư 45 tỉ đồng; DA mở rộng khu tưới kênh N1 hồ Thuận Ninh, vốn đầu tư 25 tỉ đồng.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)
DA QLTT do WB cho vay vốn ưu đãi; được thực hiện tại 10 tỉnh khu vực miền Trung, gồm: Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và TP Đà Nẵng. Mục tiêu của DA nhằm hỗ trợ triển khai chiến lược phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ thiên tai, phòng chống biến đổi khí hậu bằng cách xây dựng kiên cố hạ tầng thủy lợi, nhà tránh trú bão; hỗ trợ công tác diễn tập, nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho người dân.