Khu chăn nuôi heo tập trung thôn Phú An (Tây Sơn): Gây ô nhiễm đến hàng trăm hộ dân
Cách đây 3 - 4 năm, tại vùng đất phía Đông làng nghề sản xuất gạch ngói Phú An (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn), hình thành khu chăn nuôi heo tập trung của hàng chục hộ gia đình ở xã Tây Xuân. Hiện nay, khu vực này có khoảng 10 trại chăn nuôi với quy mô hàng trăm con heo thịt/trại.
Tiếng là khu chăn nuôi heo tập trung, nhưng đây mới là đề án nằm “trên giấy”; còn thực tế, các hộ nuôi theo hình thức tự phát. Bởi tại khu vực này, ngành chức năng chưa đầu tư xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải, chất thải đúng chuẩn. Thực trạng này khiến môi trường và người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, chịu hậu quả nặng nề nhất là hàng trăm hộ dân ở xóm Tây (thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) - cách khu chăn nuôi tập trung chừng 500m.
Trại chăn nuôi heo tập trung ở thôn Phú An.
Bà Nguyễn Thị Khởi, ở xóm Tây, có nhà gần khu chăn nuôi heo, than thở: Vào những lúc các chủ trại rửa chuồng và cho heo ăn, mùi tanh hôi bốc ra từ các trại chăn nuôi khiến chúng tôi không sao chịu nổi. Nhiều người dân xóm Tây thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
“Khi trời mưa, nước thải và phân từ các trại nuôi heo xuôi theo dòng chảy của suối Cầu Nước Xanh đổ xuống khu dân cư ở xóm Tây, khiến dòng suối bị ô nhiễm nặng. Nếu ngành chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý, nước thải từ các trại nuôi heo tiếp tục chảy ra suối, sau đó thấm dần dần vào mạch nước ngầm ở khu dân cư xóm Tây thì rất nguy hại cho người dân địa phương”, ông Đặng Ngọc Dũng - hàng xóm với bà Khởi - tiếp lời.
Qua tìm hiểu được biết, trong số khoảng 10 trại nuôi heo, chỉ một số ít chủ trại xây dựng bể chứa phân và nước thải bằng hầm bê tông xi măng và hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải. Tuy nhiên, hầu hết các bể chứa đều không hợp chuẩn để có thể đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn lại, nhiều chủ trại xả nước thải trực tiếp vào các hồ chứa tự đào. Lâu ngày, nước thải tích tụ, tồn đọng thành ao lớn, bốc mùi hôi thối; chảy tràn ra khu vực lân cận và thấm vào đất, khiến môi trường không khí và đất bị ô nhiễm.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho biết địa phương rất đau đầu trong việc tìm giải pháp bền vững để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do các trại chăn nuôi heo tập trung gây ra. “Trước mắt, để đảm bảo môi trường, UBND xã làm việc với các hộ chăn nuôi heo, yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, để đảm bảo môi trường trong điều kiện hệ thống xử lý nước thải chưa đúng chuẩn là điều rất khó” - ông Dũng thừa nhận.
Làm sao để khu chăn nuôi tập trung đảm bảo môi trường sống trong lành cho hàng trăm hộ gia đình là “bài toán” mà UBND xã Tây Xuân và các ngành chức năng liên quan của huyện Tây Sơn cần sớm có “lời giải”.
C.LUẬN
“Người dân ở thôn Phú An, xã Tây Xuân chăn nuôi, nhưng người dân ở xóm Tây, thôn 1, xã Bình Nghi phải hứng chịu mùi hôi thối. Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung để phát triển kinh tế là tốt, nhưng phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Về góc độ địa phương, tôi mong các cấp, các ngành ở huyện, tỉnh sớm có giải pháp bền vững để xử lý tình trạng này”, ông Đỗ Văn Định - Chủ tịch UBND xã Bình Nghi.
Chúng tôi đã từng đến xem các trại chăn nuôi heo ở đây. Đây là Khu chăn nuôi tập trung của xã Tây Xuân, do UBND xã lập quy hoạch đàng hoàng. Các hộ chăn nuôi ở đây đều là do xã vận động di dời chuồng trại trước đây vốn nằm xen lẫn trong khu dân cư của xã Tây Xuân. Do đó, nếu mà nói về trách nhiệm thì đầu tiên phải là UBND xã Tây Xuân. Mặc dù chúng tôi cũng biết rằng xã chưa có kinh phí để làm hạ tầng thu gom chất thải, thấy khu đất trống, rồi chỉ đại cho các chủ trang trại ra đó nuôi mà thôi. Kiểu như "Điệu hổ ly sơn". Các chủ trại heo ban đầu ra đây nuôi rất vất vả: xa nhà, không điện, không nước, không đường sá, không bóng cây...Nhưng vì công ăn việc làm nên họ bấm bụng dời ra đây. Tuy nhiên, chúng tôi biết, do thiếu vốn, nên các chủ trại heo ở đây chưa ai làm hầm Biogas cả, nên mới ra Nông Nổi này. Do đó, hơn ai hết, UBND xã Tây Xuân cần liên hệ ngay với Phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn và tìm xuống Sở NN-PTNT tỉnh để hỏi về Chương trình Khí sinh học của tỉnh, đề nghị hỗ trợ. Khi báo cáo về thành tích cuối năm, chúng ta đều lấy sự tăng trưởng về số lượng đàn heo, giá trị đóng góp vào nền kinh tế, vào GDP của xã....Các hội đoàn thể, như: Hội ND, CCB, Hội phụ nữ, Đoàn TN.... đều lấy kết quả làm ăn của những hội viên đó đưa vào báo cáo tổng kết của mình rất hoành tráng và lấy làm vui mừng. Thế nhưng, tại sao khi họ gặp khó khăn, hoặc còn những vấn đề bất cập như vậy thì lại không thấy sự quan tâm, vai trò giúp đỡ của chúng ta đâu cả? Cứ bỏ mặc họ vậy coi sao được!? Nếu ai cho rằng: công việc làm ăn của các anh, các anh phải tự lo! Vậy thì cũng trả lời ngay rằng: Xin đừng lấy thành tựu của tôi để đưa vào Báo Cáo của anh !