Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Mới đầu mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy rừng; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép cũng diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, ngành chức năng của tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp đã và đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong tỉnh.
- Trong ảnh: Lực lượng quản lý bảo vệ rừng dập tắt đám cháy trên núi Bà Hỏa thuộc địa bàn phường Đống Đa (TP Quy Nhơn).
Toàn tỉnh xảy ra 19 vụ cháy rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều khu vực rừng tại các huyện: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn… có nguy cơ cháy rừng cao, cấp dự báo cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm.
Điều đáng lo ngại là tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, tình trạng khai thác gỗ trái phép, khai thác dầu rái, đốt ong, chặt củi đốt than... vẫn còn diễn biến phức tạp, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy rừng.
Ngày 28.4, đã xảy ra cháy rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 171, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), thiêu rụi gần 3 ha keo trồng từ 1-3 năm tuổi do UBND xã Bok Tới quản lý. Tiếp đến ngày 3.5, cháy rừng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 253, xã Cát Tường (huyện Phù Cát) gây thiệt hại 1,86 ha keo, bạch đàn của Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn và của một số hộ dân ở địa phương. Ngày 4.5, tại khoảnh 4, tiểu khu 61 A, xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn), hơn 4 ha rừng trồng của người dân cũng bị lửa thiêu rụi. Mới đây nhất, ngày 8.5, rừng bạch đàn tại khoảnh 9, tiểu khu 212, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) cũng bị cháy, thiệt hại 1 ha.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 79,2 ha rừng. Trong đó, huyện Vân Canh là địa phương xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất, diện tích rừng bị thiệt hại cũng nhiều nhất với 40,89 ha; tiếp đến là các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Phước…
Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Toàn tỉnh có 66,57 ha rừng tại huyện Vĩnh Thạnh và huyện An Lão bị chặt phá; 24,2 ha đất lâm nghiệp tại các huyện Vân Canh, Phù Cát, An Lão, Tây Sơn bị lấn chiếm trái phép, tăng 92,55% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của ngành chức năng, sở dĩ tình trạng cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại nhiều địa phương còn diễn biến phức tạp là do đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi nhận thức về việc QL-BVR còn hạn chế, nên họ đốt rừng làm nương rẫy. Mặt khác, lợi nhuận khá cao của một số loại lâm sản quý đã thu hút nhiều người vào rừng khai thác. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng cây lấy gỗ của người dân hiện nay rất lớn, bộc phát và lan rộng ở nhiều địa phương. Một nguyên nhân khác là một số người dân chủ quan trong xử lý thực bì, đốt ong, thắp nhang… đã để lửa cháy lan.
Trong khi đó, một số Hạt KL và KL địa bàn chưa làm tốt nhiệm vụ được giao, chưa thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện và ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Công tác PCCCR cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng đã không xây dựng hệ thống PCCCR như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa; trong khi đó, lực lượng QLBVR và PCCCR tại chỗ mỏng, dụng cụ phục vụ cho hoạt động nói trên rất thô sơ… Do vậy, những khu vực rừng của các đơn vị, chủ rừng bị cháy rất khó ngăn chặn được “giặc lửa” lây lan, thiệt hại cháy rừng gây ra lớn.
Tăng cường công tác QL-BVR và PCCCR
Trước tình hình cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép diễn biến phức tạp tại các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai cấp bách các biện pháp QL-BVR và PCCCR.
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết: Chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng cho người dân sống gần rừng; đồng thời, thành lập và kiện toàn 11 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về BVR và PCCCR cấp huyện, 139 Ban chỉ huy BVR, PCCCR ở cấp xã. Ngành Nông nghiệp cũng đã hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành phân vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Các bản đồ thể hiện rõ 226 tiểu khu rừng trồng và trạng thái thực bì 1A, 1B, 1C dễ xảy ra cháy rừng, phục vụ công tác PCCCR. Đầu tư tu sửa và xây dựng mới trên 40 km đường băng cản lửa; xây dựng thêm 4 chòi canh lửa tại các xã: Canh Hiển (huyện Vân Canh), Tây Xuân (huyện Tây Sơn), Cát Lâm (huyện Phù Cát) và An Quang (huyện An Lão). Đầu tư mua sắm, phân bổ cho các địa phương 64 máy thổi gió; 4 máy cưa tay cắt thực bì; 60 máy bơm nước đeo vai; 400 vỉ dập lửa và hàng trăm dụng cụ phục vụ PCCCR. Đội KL cơ động và PCCCR của tỉnh và các địa phương sẵn sàng ứng phó với cháy rừng; nắm chắc các vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng và chủ động triển khai các phương án PCCCR để có biện pháp bố trí, triển khai lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Cũng theo ông Lê Đức Sáu, để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động triển khai các biện pháp PCCCR theo phương châm Bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Chỉ đạo các tổ chức, hội - đoàn thể cùng chung tay phối hợp với ngành chức năng và các xã, phường, thị trấn vận động, tuyên truyền hội viên của mình tham gia tích cực công tác BVR và PCCCR.
Các chủ rừng cũng cần tăng cường trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng được Nhà nước giao, phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép lâm sản trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng, đầu nguồn.
PHẠM TIẾN SỸ