Thư viện của tình quê
Cách đây 4 năm, ông - một người con của quê hương Bình Ðịnh - đã tự bỏ tiền túi mua đất, góp sách, xây dựng thư viện miễn phí phục vụ người dân xã Nhơn Khánh (TX An Nhơn). Mới đây, ông lại tiếp tục xây thêm một thư viện miễn phí tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Ðó là ông Trần Xuân Hạ (80 tuổi), hiện sống ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Thư viện Tình quê thu hút nhiều độc giả, nhất là học sinh.
1.
Sinh ra và lớn lên ở xã Nhơn Khánh nhưng do điều kiện công tác, ông Hạ phải xa quê, lên giảng dạy tại tỉnh Gia Lai. Cả cuộc đời gắn với nghề giáo, hơn ai hết, ông là người hiểu rõ giá trị của sách, của tri thức. Đến lúc về hưu, khi con cái đã trưởng thành, ông Hạ nay ở tuổi “cổ lai hy”, vẫn đau đáu một nỗi niềm: Phải làm điều gì đó thiết thực để đóng góp cho quê hương?
Sau nhiều lần suy nghĩ, năm 2012, ông Hạ quyết định dành hết số tiền đã tích cóp, dành dụm được bấy lâu nay, về quê mua đất, xây dựng thư viện miễn phí mang tên Tình quê.
Công trình rộng chừng hơn 60m2, được xây tại thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh, gồm khoảng 3.000 đầu sách. Các kệ sách trong thư viện bố trí ngăn nắp, theo từng thể loại riêng như văn học, nghiên cứu, lịch sử, sách liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp... Ở chính giữa thư viện là dãy bàn dài, dành làm nơi để học sinh và người dân địa phương đến đọc sách miễn phí. Ngoài ra, còn có một căn phòng nhỏ để lưu trữ sách cũ.
Bên cạnh đó, ông Hạ còn bỏ tiền túi thuê người trông coi, túc trực, mở cửa đón bạn đọc đến với thư viện mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (25 tuổi), thủ thư của thư viện, cho biết: Trước đây, trong làng không có thư viện nào cả. Ai muốn đọc sách thì tự mua hoặc phải lên thư viện ở trung tâm xã. Nhờ có thư viện Tình quê mà người dân trong thôn, nhất là các em trong độ tuổi đi học, có nơi đọc sách, mở mang kiến thức và giải trí. Buổi tối, đây cũng là nơi các bạn sinh viên mở lớp dạy thêm cho học sinh cũng như tổ chức các sinh hoạt văn hóa, đoàn thể.
Vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, bạn đọc đến thư viện đông hơn. Nhiều người còn mang sách của mình góp tặng thư viện, để mọi người có cơ hội cùng đọc, cùng chia sẻ và góp phần làm cho số đầu sách của thư viện tăng lên.
2.
Đang say sưa với cuốn truyện cổ tích, Nguyễn Thị Duyên (10 tuổi), vui vẻ nói: “Không có tiền mua truyện nên ngày nào, sau giờ học trên lớp hay những ngày Chủ nhật, cháu lại ra thư viện để đọc truyện. Hôm nào đọc không hết, cháu còn mượn về nhà đọc tiếp. Thích lắm!”.
Còn Mỹ Duyên (22 tuổi), một trong những bạn đọc trẻ thường có mặt tại thư viện, chia sẻ: “Em là cử nhân công nghệ thông tin vừa tốt nghiệp đại học, đang trong thời gian nộp hồ sơ xin việc nên những lúc rảnh rỗi, em đều đến đây đọc sách. Có thư viện ở giữa làng quê như thế này vừa là hình ảnh đẹp của một vùng quê đổi mới, lại vừa bổ ích, khuyến khích tinh thần đọc sách để mở mang kiến thức của mọi người dân, nhất là những người trẻ”.
3.
Ngoài thư viện Tình quê, mới đây, ông Hạ còn xây tiếp một thư viện miễn phí khác mà ông chưa kịp đặt tên, tại thôn Chánh An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ - quê vợ của ông. Một điều khiến ông Hạ thấy vui là những người con của ông đều ủng hộ việc làm của cha mình, nên họ không những giúp ông từ việc mua đất, xây thư viện, mà còn thường xuyên đi các nơi để thu gom sách mang về thư viện.
“Chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không thể nghèo về tri thức. Thư viện sẽ là nơi mọi người, bất kể lứa tuổi hay nghề nghiệp, có thể thâu lượm kiến thức. Đó cũng là một món quà nhỏ mà tôi muốn gửi tặng để tri ân quê hương mình” - ông Hạ chia sẻ.
Hơn 50 năm xa quê hương, mỗi lần trở về, ông Hạ lại mang theo những món quà ý nghĩa khác. Đó là những phần quà tặng cho các em học sinh hiếu học, vượt khó học giỏi và học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi Đại học. Đồng thời, những dịp lễ, Tết, ông cũng thường trao tặng những phần quà cho người neo đơn, tàn tật trong thôn, như một cách cảm thông và chia sẻ với những mảnh đời thiếu may mắn.
PHÚC LỘC