Quần thể pơmu cổ thụ được công nhận là di sản
Tối 10.5, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận quần thể cây pơmu cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam.
Cây pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơ Tu, vì vậy được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt từ nhiều đời.
Chủ tịch huyện Tây Giang Bhling Mia cho biết, quần thể cây pơmu ở Tây Giang thuộc hai xã Axan và Tr’Hy, nằm trên núi Zi’liêng, với tổng diện tích khoảng 450 ha nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển. Trong đó, có nhiều cây Pơmu cổ thụ có tuổi thọ đo được là hơn 1.800 năm. Đây được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ.
Quần thể cây pơmu gắn liền với văn hóa và đời sống của người Cơtu. Theo truyền thống của người Cơtu, những cây to trong rừng, hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước”.
Chính quyền huyện Tây Giang kỳ vọng, thông qua việc được chính thức công nhận là cây di sản, rừng Pơmu sẽ được bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, từng bước phát huy giá trị của rừng, nhất là trong việc đưa vào phục vụ du lịch, biến nơi đây thành một điểm đến du lịch lý thú của Tây Giang.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (Viện Sinh thái học Việt Nam) cho biết, pơmu được coi là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp, trọng lượng khác thường và có đặc tính không bị mối mọt phá hoại. Do vậy, gỗ pơmu được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật, các loại đồ gia dụng. Đây là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Hiện nay, rừng pơmu Tây Giang được đánh giá là một trong những quần thể pơmu có tuổi đời lớn nhất và số lượng tập trung dày đặc nhất tại Việt Nam. Do đó, việc công nhận di sản đối với quần thể 725 cây pơmu là biện pháp cấp thiết để làm cơ sở bảo tồn loài cây quý này.
Việc tuyển chọn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 với tên gọi "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng. Đến nay đã có hàng trăm cây, quần thể cây cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là những cây thân gỗ mọc tự nhiên hoặc được trồng, đang sống trên 100 năm tuổi đối với cây trồng và trên 200 năm tuổi đối với cây tự nhiên, có một hoặc một số giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hoá, lịch sử... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.
Việc lựa chọn và vinh danh Cây Di sản góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học.
Theo Chinhphu.vn