“Duyên” âm nhạc của Lê Trọng Nghĩa
Lê Trọng Nghĩa là một họa sĩ, giảng viên mỹ thuật hiện đang công tác tại trường Cao đẳng Bình Ðịnh. Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, sở trường của anh là điêu khắc. Ít người biết rằng, Lê Trọng Nghĩa còn là một nhạc sĩ khá tài hoa.
Cứ ngỡ sáng tác ca khúc là năng khiếu “tay trái” mới có sau này, thế nên tôi khá bất ngờ khi biết Lê Trọng Nghĩa bắt đầu viết nhạc từ thời cấp 3. Đặc biệt, anh viết nhạc rất lâu trước khi đến với vẽ, điêu khắc.
Hình ảnh về Lê Trọng Nghĩa tại các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong tỉnh thường thấy xuất hiện cây đàn guitar. Anh đệm đàn, tự trình bày những sáng tác nhạc của mình, hoặc ca khúc phổ thơ của bạn bè. Ảnh: L.T.N
Một nét duyên riêng
Bắt đầu từ việc mê đàn, tự tìm thầy học đàn guitar khi học lớp 10, sau đó trở thành tay đệm đàn cừ khôi cho các tiết mục, chương trình văn nghệ của lớp, trường. Ít lâu sau, Lê Trọng Nghĩa tập viết ca khúc bằng cách phổ các bài thơ yêu thích của bạn bè hoặc thơ đăng trên báo. Dần dà anh sáng tác những ca khúc trong đó cả nhạc và lời đều là “hàng chính chủ”.
Năm 20 tuổi, Lê Trọng Nghĩa đã có ca khúc đăng trên tập san Áo Trắng (NXB Trẻ) cũng như đoạt một số giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác ca khúc của tập san này. Với tinh thần cầu thị, chắt chiu cơ hội được học, khoảng năm 1990 khi ở tỉnh ta có lớp “Lý luận sáng tác âm nhạc”, Lê Trọng Nghĩa liền đăng ký học…
“Nhạc của Lê Trọng Nghĩa có cái duyên rất riêng” là nhận xét của những người hoạt động âm nhạc trong tỉnh (nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, người làm hòa âm phối khí) và bạn bè văn nghệ mà tôi thường được nghe.
Trong ca khúc của Lê Trọng Nghĩa, giai điệu, ca từ, tiết tấu dường như cứ thế mà hài hòa, đan quyện vào một cách tự nhiên, không chút nào khiên cưỡng. Ca khúc của Lê Trọng Nghĩa dễ chạm đến và ở lại trong lòng người nghe. Tôi nghe và cảm nhận rằng cái duyên ấy thể hiện ở sự sâu lắng, ý nhị về nội dung lẫn ca từ, độ chân thành, mượt mà trong cảm xúc. Đặc biệt khi cảm hứng sáng tác của anh nhen lên từ tình yêu Quy Nhơn.
Thăng hoa từ những trầm tích, chắt chiu
Lê Trọng Nghĩa không dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng không như với chuyên môn điêu khắc, khi sáng tác ca khúc, Lê Trọng Nghĩa không theo đuổi một đề tài nào, việc sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng những gì xúc cảm. Có lẽ, với âm nhạc, Lê Trọng Nghĩa được ở trong tâm thế ứng xử với một thú vui; âm nhạc không phải là lĩnh vực chuyên môn khiến anh phải cần lao, đổi mới, bứt phá…
“Sáng tác ca khúc không hề tạo ra cho anh bất cứ áp lực nào. Vì thế việc sáng tác của Lê Trọng Nghĩa trở nên nhẹ nhàng. Ca khúc của anh có thể chưa hay nhưng thật sự là kết quả của những thăng hoa từ những trầm tích, chắt chiu”
Sáng tác ca khúc không hề tạo ra cho anh bất cứ áp lực nào. Vì thế việc sáng tác của Lê Trọng Nghĩa trở nên nhẹ nhàng. Ca khúc của anh có thể chưa hay nhưng thật sự là kết quả của những thăng hoa từ những trầm tích, chắt chiu…
“Như giai đoạn các năm 2007, 2008, tự nhiên tôi rất thích sáng tác ca khúc lấy tứ từ tranh, tượng, thế là có các bài Tố nữ, Nụ cười trên tượng Phật, Em - Monaliza của lòng anh… Hay như mới đây với bài Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn, trong một lần ban đêm đi hướng đường từ Quy Hòa về, từ góc nhìn này nhìn hình ảnh thành phố mình, tự nhiên trong đầu bật ra câu “thành phố nghiêng mình ôm lòng biển đêm”. Rồi bao tình cảm yêu thương, gắn bó, kỷ niệm từ nhỏ đến lớn với Quy Nhơn, sống dậy và hòa quyện mà tạo thành lời, thành câu như trong bài hát…”, Lê Trọng Nghĩa tâm sự về một vài tác phẩm của mình.
Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn là một bài hát rất mới về Quy Nhơn, lần đầu đến với công chúng là khi được hai thí sinh song ca tại cuộc thi Giọng hát hay Quy Nhơn mở rộng – 2015. Nhưng ngay sau cuộc thi này, phần nào đó đã có một vị thế riêng khi các ca sĩ chọn lựa ca khúc về Quy Nhơn.
Nói thêm về “Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn”
Trong nhiều ca khúc về Quy Nhơn, một nhược điểm thường thấy là các tác giả cố “vẽ” khuôn mặt Quy Nhơn sao cho đặc trưng, song thường chỉ có cảnh, đại để là hình ảnh một thành phố biển hiền hòa, một thành phố trẻ năng động đi lên… Các nhạc sĩ thường cố gắng chêm cho được những địa danh, những nhân vật nổi tiếng của Quy Nhơn, Bình Định; cố gắng đưa cho được những sản vật địa phương với hy vọng sẽ cố định được chất địa phương. Ít người khắc họa được chiều sâu tâm hồn người Quy Nhơn, chuyển tải được nhịp điệu cuộc sống, hơi thở của thành phố biển trẻ trung này. Vậy nên khó lay động xúc cảm của người nghe và ở lại.
Trong một lần dạo biển Quy Nhơn, người viết tình cờ gặp một nhóm bạn trẻ ôm guitar và hát rất “phiêu”: Thành phố nghiêng mình ôm bờ biển ru, chim yến bay về bay ngang niềm nhớ/ Dọc bước phi lao ngàn sóng lao xao, muốn nói điều gì Quy Nhơn ơi?!/ Mây trôi trăng trôi hư huyền tháp cổ, câu thơ thi nhân xưa còn vọng giữa miên man/ Chơi vơi đâu đây một nỗi nhớ ru sương nhẹ buồn, một nỗi nhớ Quy Nhơn - em dịu dàng, ta một thời nông nổi, yêu em trùng khơi gió ngàn… Với một tình khúc về Quy Nhơn “sinh sau đẻ muộn” này, tôi tin Quy Nhơn đã có thêm một bài hát hay.
Ðến nay, tuy số lượng ca khúc sáng tác cũng khá nhiều, song bảo anh chọn, thì Lê Trọng Nghĩa chỉ “chấm” được chừng mươi bài: Ngày mới, Nụ cười trên tượng Phật, Tố nữ, Em - Monaliza của lòng anh, Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn, Khúc vọng chiều (phổ thơ Yến Lan), Hoàng hoa (phổ thơ Bích Khê), Gánh thời gian (phổ thơ Nguyễn Ðình Sinh), Vội vàng tháng Chạp (phổ thơ Triều La Vỹ), Chút bảng lảng mùa thu (phổ thơ Quang Khanh), Tổ quốc (phổ thơ Trần Thị Huyền Trang)…
SAO LY