Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh:
Nỗ lực cho những mục tiêu cụ thể
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn. Nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể được đặt ra nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, tế bào lành mạnh của xã hội.
Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu: nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, nhất là với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.
Cùng với mỗi mục tiêu, Chiến lược cũng đề ra những chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, có các chỉ tiêu quan trọng như: hằng năm giảm trung bình 10-15% hộ gia đình có bạo lực gia đình và hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội; đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cháu, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần; đến năm 2015 đạt 90% và năm 2020 đạt 95% trở lên hộ gia đình nghèo, cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai…
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Chiến lược đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, tổ chức, quản lý đối với công tác gia đình; tăng cường truyền thông vận động, giáo dục, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình. Đồng thời, xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình, đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình…
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 giai đoạn thực hiện: từ 2013-2015 và từ 2016-2020. Ở tầm nhìn 2030, Chiến lược xác định, quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ tác động, ảnh hưởng mạnh đến gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc trên nhiều phương diện. Gia đình Việt Nam sẽ phải đối mặt với diễn biến phức tạp của bạo lực gia đình, quan hệ tình dục và hôn nhân đồng giới, cùng những vấn đề tiêu cực trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xâm hại tình dục trẻ em…
Do đó, công tác gia đình sẽ phải tập trung tăng cường hỗ trợ gia đình thực hiện các chức năng của gia đình, can thiệp nhằm giảm các yếu tố rủi ro… Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới hộ gia đình nông dân đã chuyển đổi sản xuất nông nghiệp do đô thị hóa, phát triển khu công nghiệp và các hộ di dân. Bên cạnh đó, cần triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, đảm bảo cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.
KHẢI THƯ