Về khiếu nại việc bình xét hộ nghèo tại xã Cát Thành của bà Trần Thị Ngưu:
Xã Cát Thành đã làm đúng quy định
Gửi đơn khiếu nại tới Báo Bình Định, bà Trần Thị Ngưu (SN 1967, trú thôn Chánh Hùng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát) phản ảnh chính quyền địa phương đã tắc trách, không công bằng trong bình xét hộ nghèo khi đưa những gia đình có điều kiện vào danh sách hộ nghèo, còn những hộ thật sự khó khăn lại nằm ngoài danh sách, gây dư luận xôn xao. Phóng viên Báo Bình Định đã về xã Cát Thành tìm hiểu thực hư vụ việc.
Theo trình bày của bà Trần Thị Ngưu: Gia đình bà có 5 nhân khẩu; trong đó chỉ có bà và người con trai tên Nguyễn Vương (SN 1990) là lao động chính nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định; còn chồng bà là ông Nguyễn Quy (SN 1961) bị thương tật ở chân trái không thể lao động nặng, 2 đứa con gái SN 1998 và 2000 hiện đang là học sinh. Gia đình bà canh tác 3 sào ruộng (2 sào đất lúa và 1 sào đất màu) không đủ cái ăn. Vậy nhưng, từ năm 2011 đến nay, trong các đợt bình xét hộ nghèo, gia đình bà đều bị chính quyền thôn, xã “gạt” ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Bà Ngưu tỏ ra bức xúc: “Gia đình tôi rất khó khổ, nhưng chính quyền địa phương chỉ xếp vào diện hộ cận nghèo. Trong khi đó, những nhà có điều kiện hơn như gia đình ông Nông Văn Minh, Ngô Hùng, Đinh Thùy, Trương Công Hùng và bà Đinh Thị Miễn lại được địa phương xét vào diện hộ nghèo. Chính quyền thôn, xã làm việc tắc trách quen biết thì đưa vào hộ nghèo; tôi nghèo thật sự thì bị gạt ra ngoài. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra để đem lại sự công bằng cho người dân địa phương”.
Theo Quyết định số 9/2011/QĐ-TTg ngày 30.1.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 thì hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống; hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng.
Về vấn đề này, tại hồ sơ bình xét hộ nghèo hàng năm của UBND xã Cát Thành, đã thể hiện: Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, Ban chỉ đạo (BCĐ) xóa đói giảm nghèo xã tiến hành điều tra, rà soát tình hình hộ nghèo trong toàn xã. Sau đó, BCĐ xã và quân dân chính thôn tiến hành họp dân tại từng thôn để thông báo việc bình xét hộ nghèo đến từng hộ gia đình. Cùng với đó, các trưởng thôn đến từng hộ gia đình điều tra, thu thập mức thu nhập bình quân của từng nhân khẩu trong mỗi gia đình. Sau đó, quá trình bình xét hộ nghèo được tiến hành công khai ngay tại cuộc họp dân ở mỗi thôn; đồng thời, chính người dân là người biểu quyết để xem hộ gia đình nào được xếp vào diện hộ nghèo, hộ nào xếp vào diện cận nghèo. Cuối cùng, BCĐ xóa đói giảm nghèo xã thực hiện rà soát lần cuối rồi mới đưa danh sách hộ nghèo, cận nghèo lên cấp huyện xét duyệt.
Ông Nguyễn Đức Chiêu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết thêm: “Theo kết quả điều tra của BCĐ xóa đói giảm nghèo xã, trong 2 năm trở lại đây, mức thu nhập bình quân đầu người của gia đình bà Ngưu vượt chuẩn nghèo (trên 400 ngàn đồng/người/tháng) nên địa phương xếp gia đình bà vào diện hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, việc bình xét hộ nghèo tại địa phương được UBND xã thực hiện công khai, đúng quy trình nên không có chuyện khuất tất, đưa người quen biết vào diện hộ nghèo như khiếu nại của bà Ngưu. Chúng tôi sẽ mời bà Ngưu tới giải thích để bà rõ, nhằm tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, ảnh hưởng không tốt đến địa phương”.
Như vậy, có thể thấy, khiếu nại của bà Ngưu về khuất tất của chính quyền địa phương trong việc bình xét hộ nghèo theo chúng tôi là không có cơ sở. Tuy nhiên, qua vụ việc này, UBND xã Cát Thành cần tăng cường việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được các chế độ, chính sách của Nhà nước; qua đó tránh tình trạng người dân không nắm bắt tường tận các quy định dẫn đến khiếu nại vượt cấp, gây ra những hệ quả không tốt.
Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến các đối tượng thuộc diện hộ nghèo như hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây dựng nhà ở đơn sơ, chính sách ưu đãi khi vay vốn, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh… Do vậy, hầu hết các hộ gia đình đều muốn vào diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Những năm trước đây, trên địa bàn huyện Phù Cát, người dân có hàng chục đơn khiếu nại liên quan đến việc bình xét hộ nghèo diễn ra phức tạp. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Phòng LĐ-TB&XH huyện chỉ nhận từ 2 - 3 đơn khiếu nại của người dân liên quan đến vấn đề này. Phòng đã tiến hành rà soát lại, làm việc với người khiếu nại để hướng dẫn, giải thích các quy định cụ thể có liên quan đến chính sách hộ nghèo để họ được tường tận. Để không xảy ra việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bình xét hộ nghèo, các địa phương cần giải thích tường tận các quy định về chính sách hộ nghèo nhằm giúp người dân nắm rõ quy định. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu không thể trông chờ mãi vào chính sách của Nhà nước mà phải chăm chỉ lao động, chấp nhận thoát nghèo.
Ông VŨ VĂN NGHIÊM, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phù Cát
VĂN LỰC
Lâu nay, quanh chuyện chọn hộ nghèo để được nhà nước hỗ trợ thoát nghèo, đây đó ở nông thôn vẫn thường xảy ra những vấn đề bức xúc. Dân trong xóm làng râm ran bàn luận ra vào, người này xứng đáng, người kia không xứng đáng. Thế nhưng có một vấn đề lớn về mặt danh dự, đạo đức theo truyền thống đạo lý tốt đẹp của cha ông ta, lại ngày càng ít ai nói tới. Đó là không có lòng tự trọng, không biết nhục và xấu hổ khi mình không cố gắng làm ăn, tiết kiệm mọi chi tiêu, để vươn lên thoát nghèo! Rồi có người còn cố gắng để "đạt" hộ nghèo, để được hưởng chính sách nhân đạo của nhà nước, mà không biết xấu hổ với dòng tộc, với xóm làng. Người lớn vì tham các ưu đãi của nhà nước và xã hội dành cho hộ nghèo, mà vô tình để con cháu trong nhà, bà con dòng tộc mang cái tủi, cái nhục. Người có lòng tự trọng thì cố gắng thoát nghèo. Còn người không có lòng tự trọng thì cố gắng để được công nhận hộ nghèo !