Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14.5.1951/2016):
Ngành Công Thương Bình Định góp phần phát triển KT-XH của tỉnh
Ông Man Ngọc Lý.
Ngày 14.5.1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) quyết định đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua 65 năm, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức ngành Công Thương Việt Nam (CTVN), Công Thương Bình Định (CTBĐ) đã nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và phát triển KT-XH của địa phương. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Tiến sĩ Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết ý nghĩa của ngày truyền thống ngành CTVN?
- Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28.8.1945, Chính phủ lâm thời nước VNDCCH đã ra Tuyên cáo về Nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia. Đến ngày 14.5.1951, Chủ tịch nước VNDCCH quyết định đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Cùng với sự phát triển của đất nước, do nhiệm vụ của từng thời kỳ, sau nhiều lần chia tách, ngày 31.7.2007, Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết số 1/2007/QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Ngày 2.10.2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14.5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành CTVN”.
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và lao động ngành CTVN đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày truyền thống ngành CTVN mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành.
* Với ngành CTBĐ thì như thế nào, thưa ông?
- Cùng với cả nước, 65 năm qua, ngành CTBĐ cũng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng. Chỉ tính khoảng 5 năm trở lại đây (2011-2015), mặc dù gặp nhiều khó khăn song sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đã có bước phục hồi và duy trì mức tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt được nhiều kết quả. Tổng giá trị SXCN giai đoạn 2011-2015 đạt 166.034 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010; tốc độ tăng trưởng bình quân 13,1%/năm. Thương mại, xuất khẩu tăng trưởng khá, thị trường ổn định, chất lượng thương mại được nâng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 186.838 tỉ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2006-2010; tốc độ tăng trưởng bình quân 15,6%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 2.973,4 triệu USD, tăng 68,9% so với giai đoạn 2006-2010; tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Trong đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN), hiện toàn tỉnh có 42/63 CCN, trong đó có 40/63 CCN đã đầu tư, đi vào hoạt động; 12/40 CCN đã đầu tư cơ sở hạ tầng. Về phát triển làng nghề, giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã hỗ trợ 10,45 tỉ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã. UBND tỉnh đã công nhận 38 làng nghề đạt tiêu chí, đạt 100% mục tiêu đề ra.
* 2016 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Ông có thể cho biết việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016?
- Năm 2016, ngành CTBĐ đã đề ra các chỉ tiêu như sau: Giá trị SXCN 37.000 tỉ đồng, tăng 12,5% so với năm 2015; chỉ số SXCN tăng 8,5%; KNXK 730 triệu USD (tăng 5,9%); tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội 51.734 tỉ đồng (tăng 11,5%).
Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, từ đầu năm 2016 đến nay, hoạt động SXCN và thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và có bước tăng trưởng khá. Theo đó, chỉ số SXCN 4 tháng đầu năm 2016 tăng 7,7% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 16.526 tỉ đồng (tăng 10,3%); KNXK uớc thực hiện 231,06 triệu USD (tăng 0,1%).
Đoàn công tác UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tham quan nhà máy ống thép Hoa Sen Bình Định (KCN Nhơn Hòa - An Nhơn).
* Còn về kế hoạch phát triển trong tương lai của ngành CTBĐ?
- Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển ngành CTBĐ giai đoạn 2016-2020. Chỉ tiêu của giai đoạn này được xác định: Phấn đấu đến năm 2020 giá trị SXCN đạt 359.250 tỉ đồng (tăng 2,1 lần so với giai đoạn 2011-2015); KNXK đến năm 2020 đạt từ 750 triệu USD trở lên; tổng giai đoạn 5 năm đạt 4,505 tỉ USD, tăng 51,7% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đến năm 2020 đạt trên 60.000 tỉ đồng; tổng giai đoạn 5 năm đạt 299.385 tỉ đồng, tăng 60,2% so với giai đoạn 2011-2015.
Ngành CTBĐ đã đề ra một số giải pháp chủ yếu: Xác định nhóm sản phẩm công nghiệp quan trọng, chủ lực, có tỉ trọng KNXK lớn của tỉnh để tập trung theo dõi, đôn đốc các DN đẩy mạnh sản xuất. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo các DN xây dựng và triển khai chính sách thu mua hợp lý, đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các nhà máy chế biến có khả năng tạo giá trị SXCN lớn. Phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở SXCN lớn, các dự án mới đầu tư sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị…
Sở Công Thương sẽ tham mưu triển khai tốt chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) trọng điểm, gắn XTTM với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh các hoạt động XTTM tại thị trường nội địa, bán hàng khuyến mại, giảm giá để khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước; tổ chức tốt các đợt hội chợ triển lãm, tháng bán hàng khuyến mại, phiên chợ hàng Việt... góp phần giúp các DN giải quyết khó khăn về hàng tồn kho, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với hàng Việt có giá trị thực, chất lượng tốt. Giới thiệu, vận động DN tham gia các hội chợ trong nước và nước ngoài để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn thị trường hàng hóa kết hợp với công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)