Thực hiện NĐ 67/CP tại Hoài Nhơn: Hỗ trợ ngư dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Ngày 13.5, tại xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chủ trì cuộc đối thoại với ngư dân các địa phương trên địa bàn huyện tham gia NĐ 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tại cuộc đối thoại, sau khi nghe ý kiến, đề xuất của bà con ngư dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngư dân.
“Vướng” ở... ngân hàng
Theo UBND huyện Hoài Nhơn, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/CP, đồng thời phối hợp với ngành chức năng của tỉnh và các NHTM hướng dẫn ngư dân hoàn tất các thủ tục, hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét. Đến nay, Hoài Nhơn đã được UBND tỉnh phê duyệt 6 đợt với 94 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới 60 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ composite, 30 tàu vỏ gỗ theo tinh thần NĐ 67/CP, chiếm 55% số tàu cá được phê duyệt đóng mới của cả tỉnh.
Không vay được vốn ưu đãi để đóng tàu mới theo tinh thần NĐ 67/CP, nên ngư dân xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) đã vay vốn thương mại đóng tàu vỏ gỗ.
- Trong ảnh: Một cơ sở đóng tàu cá ở Tam Quan Bắc. Ảnh: P.T.SỸ
Hiện có 18 ngư dân đã ký hợp đồng vay vốn tín dụng với các NHTM để đóng mới 18 tàu cá, chiếm 46% so với toàn tỉnh, trong đó có 1 tàu đã được cơ sở đóng tàu bàn giao cho ngư dân; 8 tàu cá khác đã hạ thủy và 9 tàu đang đóng. Tuy vậy, so với danh sách ngư dân đã được UBND tỉnh phê đủ điều kiện đóng mới tàu cá thì số lượng ngư dân đã được vay vốn và đóng mới tàu cá còn ít. Trong số các NHTM được chỉ định tham gia NĐ 67 của Chính phủ, đến nay các chi nhánh BIDV trên địa bàn tỉnh mới chỉ tiếp nhận và giải quyết 39 hồ sơ vay vốn của ngư dân; Vietinbank tiếp nhận 3 hồ sơ; Agribank và Vietcombank mỗi đơn vị chỉ tiếp nhận 1 hồ sơ của ngư dân.
Ông Phan Thanh Tẩn, ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương, cho biết: Tôi đã được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 và đã ký hợp đồng với cơ sở đóng tàu Việt Tiến (Nam Định) để đóng tàu vỏ thép công suất 823 CV. Tôi đã nộp hồ sơ vay vốn tại Vietinbank chi nhánh Hoài Nhơn xin vay 19,9 tỉ đồng, nhưng NH chỉ cho vay trên 9 tỉ đồng. Họ bảo tôi nên chuyển qua vay vốn đóng tàu vỏ gỗ, nhưng sau khi xem NH thẩm định giá mẫu tàu vỏ gỗ là 14,3 tỉ đồng, gần bằng giá trị tàu sắt, nên tôi không đồng ý và đã rút hồ sơ chuyển sang vay vốn tại chi nhánh BIDV Hoài Nhơn. Tuy nhiên, BIDV Hoài Nhơn thông báo sau ngày 30.4 không nhận hồ sơ nữa. Hơn một năm đầy vất vả, đến nay tôi vẫn chưa vay được vốn đóng tàu theo NĐ 67/CP.
Bà Nguyễn Thị Ai, ở xã Hoài Hải, cho biết: Tôi là khách hàng thân thiết của Agribank chi nhánh Hoài Nhơn, sau khi được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện, tôi đã chọn NH này xin vay trên 7 tỉ đồng để đóng tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, qua nhiều lần “năn nỉ”, nhưng NH trả lời thẳng là không cho vay được. Vay tiền để đóng tàu mới theo tinh thần NĐ 67 sao khó quá”.
Ngư dân ở các xã Hoài Thanh, Tam Quan Bắc, Hoài Hải… cũng cho rằng, việc tiếp cận vốn vay từ các NHTM để đóng tàu mới là khâu khó nhất hiện nay. Một số NHTM “bàn ra” rằng vay vốn thương mại sẽ dễ hơn là vay theo NĐ 67, hoặc trả lời là đang xem xét, không ấn định thời gian trả lời cụ thể cho ngư dân. Có NH lại tự soạn thảo biên bản làm việc về vấn đề vay vốn theo NĐ 67 với ngư dân và ban hành rất nhiều quy định khắt khe, khiến cho ngư dân thấy “choáng”, tự nguyện rút lui và chuyển qua vay vốn thương mại để đóng tàu.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các NHTM đều cho rằng đã tích cực thực hiện tốt việc giải quyết vốn vay cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và ngư dân tham gia cuộc đối thoại không hài lòng với thực tế cách tiếp nhận hồ sơ và giải quyết vốn vay của các NHTM.
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về lợi ích khi tham gia NĐ 67/CP, đồng thời làm việc với các NHTM để nắm bắt tình hình cho vay vốn thực hiện NĐ 67. Làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để nắm bắt cụ thể, chi tiết hơn những vướng mắc trong quá trình thực hiện NĐ 67; phối hợp với các NHTM, chính quyền, hội, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Công, để chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67 thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân phát triển ngành nghề khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các NHTM phối hợp tổ thẩm định của huyện thẩm định hồ sơ đăng ký đóng mới, cải hoán tàu cá của ngư dân, đảm bảo cho các chủ tàu đã được phê duyệt đều được vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định. Xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể với từng chủ tàu được phê duyệt để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp chủ tàu sớm thực hiện ký hợp đồng tín dụng và thi công đóng mới tàu cá theo quy định.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở đang phối hợp với Trường Đại học Nha Trang xây dựng thêm 2 thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, thông báo và cung cấp hồ sơ thiết kế, khái toán giá thành 2 mẫu tàu cho các NH, cơ sở đóng tàu và ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ gỗ theo tinh thần NĐ 67 để thực hiện. Bên cạnh đó, thiết kế mẫu và tổ chức thẩm định, công bố định mức kỹ thuật và dự toán 5 mẫu ngư lưới cụ theo các nghề đăng ký của ngư dân, làm cơ sở giúp các NH, cơ sở sản xuất kinh doanh ngư lưới cụ và chủ tàu thực hiện.
Qua ý kiến của bà con ngư dân, các ngành chức năng và các NHTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng, những băn khoăn của ngư dân đều xuất phát từ thực tế; những kiến nghị, đề xuất của bà con cũng rất xác đáng. Chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với ngư dân, do vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định phải có trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt các NHTM thực hiện nghiêm túc NĐ 67/CP. Các NHTM cần phải cầu thị, tiếp nhận ý kiến phản hồi của ngư dân, tiến hành cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết vốn vay cho ngư dân. Ngư dân cũng cần phải kiên định với lựa chọn tàu đóng mới và quyết tâm thực hiện phương án vay vốn đóng tàu. Chủ động hoạch định và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, hoàn trả vốn vay đúng hạn.
PHẠM TIẾN SỸ