Một biên đạo đam mê thiết kế phục trang, đạo cụ
Biên đạo Nhật Huy đã làm phục trang, đạo cụ biểu diễn từ thời còn là học sinh phổ thông. Có đến vài lần, vì muốn trang phục cho tiết mục múa của lớp do mình dàn dựng phải thật đẹp, do kinh phí phụ huynh cấp hạn hẹp, Huy “cả gan” đem bán xe đạp, dây chuyền vàng của mình để đầu tư...
Nhật Huy thiết kế được nhiều mẫu áo dài chinh phục khách hàng.
Còn nhớ, cách đây gần 20 năm, lớp chúng tôi khi ấy từng 2 năm liên tiếp mời biên đạo Nhật Huy dàn dựng các tiết mục múa để tham gia Hội thi Văn nghệ Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn). Khi ấy, các điểm cho thuê phục trang văn nghệ quần chúng còn ít, nên anh dẫn cả nhóm múa cùng đi Chợ Lớn, tìm đến các sạp chọn vải rất kĩ, rồi tự thiết kế để đặt may phục trang cho các diễn viên. Chúng tôi ai cũng khen anh Bi - tên thường gọi của biên đạo Nhật Huy- có gu thời trang, thẩm mỹ.
Qua nhiều năm, có dịp được xem các tiết mục múa do biên đạo Nhật Huy dàn dựng, đều thấy anh đã phát huy điểm mạnh trong việc thiết kế phục trang cho diễn viên, góp phần đem đến thành công cho tiết mục mà mình dàn dựng.
Điểm trưng bày phục trang, đạo cụ ấn tượng
Tâm nguyện của biên đạo Nhật Huy (40 tuổi) đã thành hiện thực cách đây hơn 2 tháng, với việc thuê ngôi nhà ở số 48 Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, rồi trang trí, sắp xếp để biến căn phòng rộng hơn 30m2 thành nơi trưng bày các loại phục trang, đạo cụ biểu diễn văn nghệ quần chúng, áo dài truyền thống và cách tân rất ấn tượng.
Ấn tượng đầu tiên là có hẳn một dàn ma-nơ-canh nam, nữ mặc những bộ áo dài cả truyền thống lẫn cách tân do chính Nhật Huy thiết kế. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày hàng trăm mẫu áo dài, váy đầm, cùng các phục trang văn nghệ khác cho đủ lứa tuổi, vốn luôn được chủ nhân tìm tòi, thiết kế bổ sung các mẫu mới. Trong đó, có những bộ váy áo kết cườm, đính đá các loại, tạo vẻ nổi bật, thực hiện rất công phu.
Trong chiếc tủ kính đặt nơi góc phòng, trưng bày trang trọng hàng trăm mẫu mấn đội đầu nhiều màu sắc, kiểu dáng. Không ít chiếc được làm tỉ mỉ cả tuần lễ mới xong một chiếc.
Chỉ riêng về đạo cụ nón, Nhật Huy đã trưng bày hàng chục mẫu nón. Mỗi mẫu có kiểu trang trí hoa văn, họa tiết khác nhau, tạo sự nổi bật. Tất cả đều làm bằng chất liệu mi-ca để vừa bền chắc, vừa nhẹ nhàng, giúp diễn viên không bị mỏi lúc diễn.
Biên đạo Nhật Huy chia sẻ: “Tiền đầu tư, công sức làm ra nhiều nên giá cho thuê phục trang, đạo cụ của tôi cũng cao hơn mặt bằng chung. Đó là lí do khách đến thuê không nhiều. Tôi sử dụng các phục trang, đạo cụ này cho các tiết mục do mình dàn dựng là chính. Đổi lại, bản thân tôi thấy thực sự hạnh phúc khi sau nhiều năm gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, cuối cùng cũng tạo được cho mình nơi trưng bày phục trang, đạo cụ; có chỗ để gặp gỡ, chia sẻ đam mê cùng mọi người...”.
Chinh phục khách hàng
Biên đạo Nhật Huy đã tham gia dàn dựng trong nhiều chương trình lễ hội, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh; tiết mục của các đơn vị, trường học, doanh nghiệp… Các tiết mục của anh thường đạt giải cao ở các hội diễn, hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng không chỉ trong tỉnh mà còn ở cấp khu vực và toàn quốc.
Ngoài đảm nhận vai trò biên đạo, anh còn được khách hàng tin tưởng đề nghị thiết kế trang phục biểu diễn. Không chỉ trong tỉnh, ngay khách hàng ở các tỉnh xa như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi, cũng nhiều người biết đến khả năng thiết kế phục trang của anh và đã liên hệ đặt hàng.
“Thường thì khách hàng nói về nội dung, ý tưởng dàn dựng tiết mục múa; tôi sẽ phác thảo thiết kế rồi gửi hình cho khách xem. Nếu khách đồng ý, tôi sẽ may rồi gửi cho họ. Điểm thuận lợi là tôi có nhiều kinh nghiệm biên đạo nên có thể tư vấn cụ thể cho khách hàng về phục trang đẹp, đem lại hiệu quả cho tiết mục. Chẳng hạn, có khách hàng ở Quảng Ngãi yêu cầu may phục trang váy để trình diễn một tiết mục múa có nội dung hướng về biển, đảo Tổ quốc. Váy có lẽ không hợp với chủ đề ấy, đất diễn cũng hẹp hơn, nên tôi tư vấn và được họ chấp nhận may áo dài có họa tiết về biển đảo, cột mốc chủ quyền Trường Sa… Sau khi diễn xong, khách ngỏ lời cảm ơn mình rất nhiều về phần tư vấn. Họ kể, với trang phục ấy, họ diễn nhiều cảm xúc hơn và điều đó cũng tác động rất nhiều đến thành công của tiết mục” - biên đạo Nhật Huy kể.
Từ những kinh nghiệm thiết kế các mẫu áo dài đẹp phục vụ cho tiết mục văn nghệ, Nhật Huy đã từng bước tìm tòi thiết kế các mẫu áo dài nam, nữ cách tân để mặc trong đám cưới, các sự kiện hoặc trong đời thường. Anh đã chọn gấm làm chất liệu chủ đạo cho các mẫu áo dài được thiết kế cách tân với những hoa văn, họa tiết làm điểm nhấn đơn giản nhưng đẹp tinh tế, sang trọng; giá cả lại rẻ nên ngày càng chinh phục nhiều khách hàng. Trong đó, có những khách hàng ngoại quốc lập gia đình ở Quy Nhơn hay Việt kiều đã đặt hàng những bộ áo dài của Nhật Huy để mặc trong ngày trọng đại.
Sự ủng hộ của khách hàng đã tạo thêm động lực cho Nhật Huy tìm tòi, thiết kế bộ sưu tập áo dài “Hồn Việt” để ra mắt trong show trình diễn thời trang của mình thời gian tới.
HOÀI THU
Theo tôi, Nhật Huy là một thanh niên trẻ, có năng khiếu, có lòng đam mê nhiệt tình và lâu bền với môn nghệ thuật múa - múa các thể loại. Từ lâu, anh đã nổi tiếng ở TP.Quy Nhơn nói riêng và tỉnh BĐ nói chung về khả năng dàn dựng các tiết mục múa, ở các tầm quy mô khác nhau. Nhỏ thì các hội diễn văn nghệ cấp trường, lớn thì cấp tỉnh, và rất nhiều tiết mục văn nghệ của tỉnh đi biểu diễn trong nước...Điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất của Nhật Huy là một khi đã làm, là làm nhiệt tình. Anh hoạt bát, xông xáo, hướng dẫn tận tình, dễ hiểu cho các diễn viên trong các lần tập múa và rất vui vẻ, chứ không cáu gắt, nóng nảy như một số biên đạo khác. Và điểm đặc biệt nữa là: ý tưởng dàn dựng và chỉ đạo thực hiện của Huy, cộng với sự thường xuyên sáng tạo về trang phục biểu diễn, đạo cụ và âm nhạc... nên các tiết mục do Huy dàn dựng thường đạt điểm cao trong các hội thi hoặc công chúng yêu thích trong các cuộc hội diễn...Thành phố Quy Nhơn rất cần thêm những tài năng trẻ, đam mê thật sự và lâu bền với nghệ thuật như Nhật Huy ! Chúc Huy luôn vui khỏe và có thêm nhiều cống hiến cho nghệ thuật của tỉnh nhà !