Xã Nhơn Tân (TX An Nhơn): Dự án treo, 38 ha điều bị bỏ hoang trong gần 10 năm
Dự án treo đã khiến vườn điều Lò Mốc diện tích 38 ha ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn, do HTX Nông nghiệp Nhơn Tân quản lý, bị bỏ hoang gần 10 năm nay.
Dự án Đầu tư xây dựng và mở rộng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung (gọi tắt là Dự án TTNCPTCN miền Trung) được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất, có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 57 tỉ đồng, do Bộ NN&PTNT đầu tư.
Vườn điều Lò Mốc (thuộc thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân) bị bỏ hoang đã gần 10 năm nay.
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, ngày 18.6.2007, UBND tỉnh có văn bản số 1801/UBND-NĐ, chấp thuận địa điểm để triển khai, xây dựng nhiều hạng mục của dự án là khu đất vườn điều Lò Mốc (thuộc thôn Thọ Tân Bắc) với diện tích 38 ha. Đơn vị chủ quản khu đất lúc đó là HTX Nông nghiệp Nhơn Tân đã bàn giao mặt bằng, phục vụ dự án.
Chủ trương, địa điểm đã có nhưng điều kỳ lạ là từ năm 2007 đến năm 2013, dự án vẫn “án binh bất động”. Đến năm 2013, Bộ NN&PTNT lại có Quyết định số 1666/QĐ-BNN-XD ngày 22.7.2013 phê duyệt điều chỉnh một số hạng mục của dự án. Tuy nhiên sau đó, dự án này vẫn cứ tiếp tục nằm... trên giấy.
Trước thực trạng này, năm 2014, UBND tỉnh ra văn bản số 1733/UBND-KTN ngày 5.5.2014 yêu cầu TTNCPTCN miền Trung phải nhanh chóng triển khai dự án, nếu không thực hiện thì sẽ thu hồi chủ trương chấp thuận địa điểm.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi vào tháng 5.2016, trên khu đất Lò Mốc, vẫn chưa có hạng mục nào của dự án được triển khai xây dựng. Khu đất rộng 38 ha với hàng ngàn cây điều nay đã trở nên cằn cỗi vì bị bỏ hoang nhiều năm, không người chăm sóc. Thậm chí, nhiều hộ dân còn xả thải rác bừa bãi, gây mất vệ sinh tại khu vực này.
Ông Đỗ Văn Điệp, một người dân ở xóm Đá Mài, thôn Thọ Tân Bắc, so sánh: “Ngoài kia, người ta trồng keo 3,8 ha chưa đầy 5 năm đã thu về hơn 400 triệu đồng. Trong khi đó, ở đây, 38 ha đất trồng điều lại bỏ hoang trong 10 năm. Thật xót ruột!”.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân, cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này. Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo lên cấp trên đề nghị xem xét sớm triển khai dự án, nếu không thì cho chuyển đổi để người dân có đất sản xuất. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được ý kiến trả lời chính thức nào”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhơn Tân, thì cho biết, trước năm 2007, 38 ha đất nói trên được trồng điều theo hình thức giao khoán, tạo thu nhập hằng năm cho người dân địa phương. Bởi vậy, khi thấy dự án chậm triển khai, HTX đã có Tờ trình số 04/TTr-HTX ngày 22.2.2014 về việc xin cải tạo vườn điều Lò Mốc tại vị trí lập dự án để trồng cây lâm nghiệp. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được chấp thuận.
“Dự án cứ treo mãi thì quá lãng phí. Nếu không thực hiện thì nên giao trả lại đất để HTX đầu tư trồng cây lâm nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên và thuận tiện cho công tác quản lý đất đai” - ông Thạch bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: Sở dĩ dự án chưa được triển khai là do thiếu vốn. Sau khi UBND tỉnh có văn bản vào năm 2014, TTNCPTCN miền Trung đã báo cáo về kết quả thực hiện dự án, trong đó nêu rõ khó khăn trong tiến độ dự án. Mới đây, UBND tỉnh có Thông báo số 75/TB-UBND ngày 12.4.2016 yêu cầu Viện Chăn nuôi (thuộc Bộ NN&PTNT - đơn vị quản lý dự án) triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu đến hết ngày 30.12.2016 mà đơn vị này chưa triển khai thì giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TX An Nhơn lập thủ tục thu hồi chủ trương giới thiệu địa điểm.
Có thể thấy, để quản lý và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trên, các cấp có thẩm quyền cần theo dõi chỉ đạo sát sao hơn; đồng thời, có ý kiến với Bộ NN&PTNT về việc đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, TTNCPTCN miền Trung cần có văn bản trả lời, giải thích cho người dân hiểu. Nếu khó khăn về vốn mà không thể thực hiện dự án thì nên giao lại đất để địa phương chuyển sang mục đích sử dụng khác có hiệu quả hơn.
PHÚC LỘC