Đi giữa nhịp gõ, đục…
Đã hơn 80 năm, dù có lúc thăng, lúc trầm, song những nhịp gõ, đục ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ở đó, vẫn còn nhiều lắm những người miệt mài ủ ngọn lửa nghề và lặng lẽ giữ cho tiếng nghề bay xa.
Nghề chạm trổ mộc dân dụng ở Phước Hưng ngày càng thu hút nhiều thanh niên địa phương.
- Trong ảnh: Văn Thanh Hoàng (phải) gò lưng tỉ mẩn theo từng nét chạm.
Tiếng nghề đồn xa
Nằm sâu trong những đường làng, các trại chạm trổ mộc dân dụng ở thôn An Cửu và Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, ngày đêm râm ran tiếng đục, tiếng gõ. Nhiều người khắp nơi trong tỉnh vẫn lần tìm về vùng quê yên ả này để đặt cho gia đình mình bộ tràng kỷ, cái án thờ, bộ bàn ghế, giường, tủ… bởi tiếng đồn lành nghề của con cháu cụ Chín Cửu.
Hơn 80 năm trôi qua, con cháu của cụ vẫn lặng lẽ giữ nghề và vun đắp cho tiếng nghề của cha ông để lại. Bên ấm trà thơm nồng, bà Nguyễn Thị Cúc, 70 tuổi, con gái út ông Chín Cửu, không giấu niềm tự hào khi kể về người cha đã khuất. Nghề chạm khắc mộc ngày ấy là nghề danh giá. Và cha bà là thợ chạm trổ mộc có tiếng trong tỉnh. Hình ảnh cha trong bộ áo dài trắng gõ đục từ ngày này sang ngày khác vẫn in đậm trong tâm trí bà.
“Cha tôi còn có một người bạn thân là ông Văn Dương, vốn là thợ ngọn- người thợ xây chuyên chạm khắc các hoa văn trên mái đình, chùa, miễu- nức tiếng. Hai ông kết sui gia và truyền nghề lại cho con cái của cả hai nhà. Những năm sau giải phóng, nghề ngọn lụi dần, con cháu dựa vào nghề chạm trổ mộc để mưu sinh. Không chỉ ở Bình Định, các anh chị em còn mang nghề vào TP Hồ Chí Minh, lên Gia Lai lập nghiệp. Bốn con trai của tôi đều gắn với nghề chạm trổ và có cơ sở mộc riêng”, bà Cúc chia sẻ.
Nối nghiệp cha và ông ngoại đã hơn 25 năm, ông Văn Hữu Thái, 45 tuổi, một trong những người con của bà Cúc, cho biết anh em ông đều gắn với nghề chạm trổ, như niềm tự hào và cũng là nghĩa vụ với tổ tiên. Nhưng, không chỉ lĩnh hội và giữ lấy cái tinh túy nghề ông cha truyền lại, họ còn miệt mài tìm kiếm sự giao thoa của truyền thống và thị hiếu để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Người tìm về Phước Hưng để đặt đồ gỗ do con cháu ông Chín Cửu làm ra ngày càng đông. Hôm chúng tôi tìm về, anh Văn Thanh Hoàng, con trai cả của ông Thái đang gò lưng tỉ mẩn theo từng nét chạm. Là thế hệ thứ 4 gắn với nghề gia truyền, chỉ mới 24 tuổi, nhưng Hoàng đã được cha giao cho nhiều công việc quan trọng. Hỏi chuyện theo nghề, Hoàng chia sẻ, bởi đã thấm tiếng chàng, tiếng đục từ khi còn trong bụng mẹ, rồi bị mê hoặc bởi những đường nét, hoa văn chạm trổ cầu kỳ mà thanh tao, lịch lãm.
Công việc chạm trổ hôm nay đã có thêm sự hỗ trợ từ máy móc.
Bắt lấy hồn gỗ
Chạm trổ gỗ là công việc vốn không đơn giản. Người ta vẫn hay ví von thợ chạm trổ là người tạo hình, tạo hồn cho gỗ. Và trong quá trình tạo hình ấy, người cầm đục, cầm chàng đã vô tình, hoặc hữu ý gửi cả tâm hồn, trí tuệ của mình vào gỗ. Bởi vậy, sản phẩm gỗ có những giá trị nhất định, thường toát lên thần thái, vẻ thanh tao, sang trọng.
Theo ông Văn Hữu Vinh, 48 tuổi, chủ một trại mộc ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng, việc tạo ra một sản phẩm gỗ phải tốn khá nhiều thời gian, công sức. Có khi phải hơn cả tháng mới hoàn thành sản phẩm có quy mô lớn. “Người học chạm trổ trước hết phải tỉ mỉ, nhẫn nại. Thêm nữa là phải có khiếu hội họa để có thể tự tạo ra những mẫu trang trí riêng. Đặc biệt, tất cả các bộ phận của đồ gỗ chạm trổ đều phải được khớp với nhau bằng mộng nên tay thợ lúc nào cũng phải khéo léo, chính xác. Ngày nay, công việc chạm khắc có hỗ trợ từ máy móc nên thợ cũng đỡ vất vả hơn”, ông Vinh cho biết.
Nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm gỗ bền, đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để có một án thờ bằng gỗ, thể hiện lòng kính trọng đối với tổ tiên, hay một bộ trường kỷ, một bộ bàn ghế tinh xảo trưng bày trong nhà...
Nhờ đó, thợ chạm trổ gỗ hôm nay đã có thể ăn nên làm ra từ nghề. Mức lương tối thiểu một thợ chạm khắc ở Phước Hưng khi mới ra nghề là 4 triệu đồng. Mức thu nhập hấp dẫn này hút nhiều người học nghề chạm trổ, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Tại nhà ông Thái, ông Vinh, có khoảng sáu thanh niên đang theo học nghề.
Thái Văn Khương, 22 tuổi, học trò tại trại mộc ông Vinh, chia sẻ: “Đã từng học và làm nghề điện dân dụng, nhưng thu nhập bấp bênh nên tôi bỏ nghề. Bây giờ, tôi học nghề chạm trổ mộc, trước hết là nhu cầu công việc nhiều, thu nhập tương đối để có thể tự lập và giúp đỡ gia đình”.
NGUYỄN MUỘI