Giữ sức khỏe cho bé trong mùa nắng nóng
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng khiến số trẻ em phải nhập viện điều trị có chiều hướng gia tăng. Gia đình cần hết sức cẩn trọng trong từng việc cụ thể để phòng bệnh, chăm sóc tốt khi trẻ mắc bệnh.
Trời nắng gắt, kèm theo khói, bụi ô nhiễm môi trường làm cho trẻ dễ mắc nhiều bệnh, đặc biệt là viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, sốt siêu vi, bệnh thủy đậu…
Bệnh nhi hô hấp, tiêu hóa gia tăng
Sáng 16.5, khoa Nhi BVĐK khu vực Bồng Sơn đầy ắp bệnh nhi và người nhà chăm nuôi. Sở Y tế giao cho khoa 40 giường theo kế hoạch, nhưng số bệnh nhân hiện tại là 52. Tuy nhiên, theo Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Thanh, đây vẫn chưa là con số cao nhất. Tuần trước, khoa Nhi có đến 90 bệnh nhân nội trú.
Trẻ mắc bệnh đường hô hấp điều trị ở BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Các bệnh về hô hấp và tiêu hóa chiếm tỉ lệ lớn trong số các bệnh thường gặp của trẻ trong mùa hè. Trong số 52 bệnh nhi đang điều trị tại khoa Nhi BVĐK khu vực Bồng Sơn, có 12 trẻ sơ sinh, 1 trẻ mắc bệnh lý về thận, 8 trẻ bị bệnh đường tiêu hóa và có đến 21 em bị bệnh đường hô hấp. “Nắng nóng, trẻ trong độ tuổi 2-12 hay bị sốt nhiễm khuẩn hô hấp, trong đó viêm phổi là phổ biến nhất”, Phó trưởng khoa Nhi Lê Thị Thúy An cho hay.
Một trong những ca nặng hiện điều trị tại đây là bé Đỗ Thiên Bảo, 11 tháng tuổi, ở khối Phụ Đức, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Sau 3 ngày ho khò khè, sốt cao đến 390C, bé Bảo được nhập viện vào ngày 9.5 với chẩn đoán viêm thanh phế quản cấp. Nhờ được điều trị tích cực, tình trạng khàn giọng, suy hô hấp, khó thở đã giảm dần, nhưng đến ngày 16.5 bé vẫn còn ho và sốt.
Trong khi đó, tại khoa Nhi của BVĐK tỉnh, số bệnh nhi điều trị hiện tại là 130, vượt công suất giường bệnh (100 giường). Theo Trưởng khoa Nhi Phạm Văn Dũng, tuy tổng số bệnh nhi không quá nhiều so với những lúc cao điểm, nhưng các ca bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, tiêu hóa đã có xu hướng tăng dần. Dự báo, số trẻ em nhập viện điều trị sẽ tăng nhanh dưới ảnh hưởng nặng nề của nắng nóng.
Cẩn trọng từng việc nhỏ
Để phòng bệnh và chăm sóc tốt cho trẻ tại nhà trước tình hình thời tiết nắng nóng, người thân cần trang bị một số kiến thức, kỹ năng cơ bản. Điều quan trọng là hết sức chú ý thực hiện từng việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Trần Quốc Việt, một trong những vấn đề quan trọng để phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng là đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn (kể cả sữa và thức ăn dặm đối với trẻ nhỏ). Nếu trẻ biếng ăn, cộng với sốt thì sẽ làm bệnh nặng thêm rất nhanh. Với trẻ bị sốt ≥380C, cần dùng thuốc hạ sốt, kết hợp lau mát vùng bẹn, nách; cho uống nước (nước bình thường, hoa quả, oresol) theo nhu cầu của trẻ.
“Khi dùng thuốc hạ sốt quá 24 giờ mà trẻ vẫn sốt cao, hoặc có các dấu hiệu li bì, nôn ói nhiều, co giật, tiêu chảy nhiều lần tóe nước; hoặc trên lòng bàn tay, bàn chân, thân mình có những tổn thương bất thường thì nên cho trẻ nhập viện ngay”, bác sĩ Việt khuyến cáo.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho rằng, việc lạm dụng, sử dụng không đúng cách máy điều hòa trong những ngày nắng nóng là một trong những nguyên nhân chính khiến các bệnh về đường hô hấp gia tăng ở trẻ em, nhất là trẻ em khu vực thành thị. “Ngoài việc duy trì nhiệt độ phòng ở chế độ mát vừa phải, phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý không cho thân nhiệt của trẻ thay đổi đột ngột. Khi cho trẻ vào hoặc ra phòng lạnh, cần cho trẻ ở khoảng không gian “trung gian” một lúc, để trẻ thích nghi với nhiệt độ ở môi trường mới”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Bác sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, với trẻ viêm đường hô hấp trên không nên dùng kháng sinh tùy tiện mà phải theo chỉ định của bác sĩ. Cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch đờm nhớt ở vùng mũi họng của trẻ. Giúp trẻ giảm ho và đau họng bằng thuốc Nam (mật ong, lá húng chanh, quất hấp…). Nếu thấy trẻ nặng hơn, không uống, không ăn, sốt cao nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng là thời điểm các loại vi khuẩn “hoành hành”. Các bác sĩ chuyên khoa Nhi đặc biệt lưu ý, đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lau khô cẩn thận các kẽ trên da để tránh ẩm ướt da, làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da.
NGUYỄN VĂN TRANG