Một số lưu ý khi sơ cấp cứu ban đầu
Cấp cứu ban đầu là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu đối với người bị nạn, bị thương tích, bệnh cấp tính nguy hiểm. Mục đích là cứu sống nạn nhân, hạn chế những nguy hiểm đang đe dọa tính mạng hoặc ngăn không cho tình trạng bệnh xấu đi, giúp bệnh nhân hồi phục về sau. Sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách giúp việc điều trị tiếp theo tại bệnh viện thuận lợi hơn, đạt kết quả tốt hơn, hạn chế các biến chứng, di chứng.
Tất cả trường hợp bệnh lý hoặc tai nạn có ảnh hưởng đến tính mạng, đến sự sống còn của người bệnh đều phải được sơ cấp cứu tại chỗ trước khi đưa đến bệnh viện. Chẳng hạn như tăng huyết áp quá cao, cơn hen phế quản cấp tính, trẻ em bị sốt cao co giật, các tai nạn có gãy xương, các chấn thương nặng, vết thương đang chảy máu nhiều, các trường hợp ngừng tim, ngừng thở đột ngột, hội chứng vùi lấp, đuối nước, dị vật đường thở… Nếu không sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh trước khi đưa đến bệnh viện có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn do bệnh tiếp tục diễn biến hoặc xảy ra các biến chứng trầm trọng của bệnh.
Để sơ cấp cứu ban đầu cho người bệnh được kịp thời và đúng cách, người cấp cứu cần có kiến thức về sơ cấp cứu ban đầu với một số bệnh thông thường. Trong quá trình cấp cứu, cần gọi sự trợ giúp của những người xung quanh hoặc gọi cấp cứu 115 để cùng hỗ trợ. Việc cấp cứu càng sớm càng tốt nhằm hạn chế biến chứng, tăng khả năng hồi phục của bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng cần phải bình tĩnh để thực hiện đúng các thao tác của sơ cấp cứu.
Dưới đây là một số biện pháp sơ cấp cứu thông thường:
- Đối với bệnh nhân hôn mê hoặc lơ mơ: đặt bệnh nhân ở tư thế nghiêng an toàn; làm thông thoáng đường thở; nới rộng khăn, quần áo vùng cổ, ngực, thắt lưng; dùng chăn hoặc khăn phủ nạn nhân; không cho bệnh nhân ăn bất cứ đồ ăn hoặc nước uống nào; gọi cấp cứu ngay.
- Đối với bệnh nhân chấn thương cột sống cổ hoặc lưng: không nên di chuyển nạn nhân, gọi ngay cho đội vận chuyển cấp cứu 115. Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa trên nền phẳng cứng, đặt hai túi cát hai bên cổ hoặc giữ yên trục đầu - cổ thân mình. Nếu bệnh nhân ngừng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo nhưng không được làm động tác ngửa đầu, mà dùng ngón tay kéo nhẹ hàm về phía trước. Nếu cần phải di chuyển bệnh nhân thì cần ít nhất 3 người; giữ đầu - cổ và thân mình thật thẳng khi di chuyển bệnh nhân…
BS TRẦN THƯỢNG DŨNG