Trước tình hình hạn hán gay gắt và kéo dài: Ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho dân
Ông Nguyễn Văn Tánh
Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều địa phương bị thiếu nghiêm trọng. Trước tình hình này, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn, trong đó ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT thuộc Sở NN&PTNT) về vấn đề này.
* Xin ông cho biết tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương trong tỉnh?
- Quý I.2016, lượng mưa trung bình toàn tỉnh chỉ có 66 mm, đạt 52% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm (TBNN); mực nước các con sông trong tỉnh cũng thấp hơn TBNN. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho nước mặt bị bốc hơi nhiều, nguồn nước ngầm cũng bị giảm mạnh. Hiện nguồn nước suối ở khu vực đầu nguồn của các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) và nhiều giếng đóng, giếng đào trong các khu dân cư ở nhiều địa phương trong tỉnh bị khô cạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đã xảy ra.
Hiện tại các xã: Mỹ Châu, Mỹ Thành, Mỹ Phong, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) có 1.200 hộ dân bị thiếu nước. Huyện Phù Cát cũng có 300 hộ dân ở các xã Cát Hanh, Cát Tường bị thiếu nước. Còn tại huyện Vân Canh, tình trạng thiếu nước xảy ra ở hầu khắp các địa phương với khoảng 1.143 hộ dân. Các địa phương khác, như An Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh... cũng có trên 200 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
* UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT và chính quyền các địa phương triển khai các biện pháp chống hạn, trong đó ưu tiên cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện như thế nào?
- Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Trung tâm NS&VSMTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, khảo sát tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện phương án cấp nước cho từng vùng. Những ngày qua, Trung tâm đã tăng cường cán bộ kỹ thuật tại các nhà máy cấp nước để kiểm tra và tăng áp, phát huy hết công suất các CTCNTT đã xây dựng để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn.
Hiện 5 CTCNTT do Trung tâm quản lý đã và đang vận hành gần 100% công suất, cấp nước sinh hoạt cho 29.306 hộ với trên 120 ngàn dân tại các địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp CTCNTT xã Mỹ Chánh. Đến nay đơn vị đã lắp đặt được 29 km đường ống dẫn nước đến các khu dân cư thuộc địa bàn xã Cát Chánh và xã Mỹ Cát; khôi phục 950 đồng hồ đo nước tại 950 hộ dân và đấu nối mới đường ống dẫn nước từ hệ thống đường ống chính của công trình đến 200 hộ dân. Các hạng mục khác của công trình này cũng đã cơ bản hoàn thành, dự kiến cuối tháng 6.2016 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho 2.000 hộ dân.
Công trình cấp nước sinh hoạt Đông Nam huyện Hoài Nhơn do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư cũng đã đạt 80% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6.2016, cung cấp nước sinh hoạt cho 47.000 người tại 32 thôn thuộc 4 xã: Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Hải và Hoài Mỹ cùng các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế ở khu vực Đông Nam huyện Hoài Nhơn.
Vận chuyển nước cấp cho các hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở xã Mỹ Chánh. Ảnh: T.SỸ
Nhiều địa phương cũng đã và đang sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2015-2016 được UBND tỉnh phân bổ để tu sửa, nâng cấp các CTCNTT. Trong đó, huyện An Lão đầu tư 800 triệu đồng nâng cấp CTCN Sông Vố; Hoài Nhơn đầu tư 1,1 tỉ đồng nâng cấp CTCN khu tái định cư Tam Quan Bắc và đập ngăn mặn xã Hoài Mỹ; An Nhơn đầu tư 1,2 tỉ đồng mở mạng CTCN xã Nhơn An, Nhơn Hạnh… Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đang vận động người dân đào, đóng thêm giếng lấy nước ngầm để sử dụng.
* Năm nay, tỉnh ta có hỗ trợ về nước uống và nước sinh hoạt cho người dân vùng bị hạn không, thưa ông?
- Năm 2016, tỉnh ta tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đối với định mức hỗ trợ cấp nước uống, nước sinh hoạt cho người và nước cho gia súc có 3 phương án hỗ trợ (hỗ trợ bằng tiền mặt; hỗ trợ khoan, âm bộng giếng và hỗ trợ xây dựng đường ống cấp nước từ các CTCNTT đến khu vực thiếu nước). Với phương án hỗ trợ bằng tiền mặt, áp dụng cho vùng không khoan được giếng, không đào sâu âm bộng giếng, không có đường ống dẫn nước từ CTCNTT đến vùng bị hạn, hỗ trợ nước uống và nước sinh hoạt cho người dân với định mức 40 lít nước/người/ngày; hỗ trợ nước uống cho gia súc (trâu, bò, heo) 30 lít/ngày. Mức hỗ trợ 70.000 đồng/m3 nước bao gồm chi phí nước uống, nước sinh hoạt tại nguồn cung cấp, chi phí vận chuyển và công lao động tiếp nhận và phân phối tại chỗ.
Phương án hỗ trợ khoan, âm bộng giếng, áp dụng cho vùng có thể khoan giếng, đào sâu thêm, âm bộng giếng. Cụ thể, với giếng khoan đường kính ống 60 mm, cấp tối thiểu 5 hộ gia đình, khoảng cách các giếng tối thiểu 200 m, hỗ trợ theo chiều sâu khoan thực tế với mức 150 ngàn đồng/m giếng khoan. Đối với giếng đào sâu thêm, âm bộng, lắp thêm bộng giếng, bơm hút sạch bùn cát trong lòng giếng, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/giếng. Trường hợp đào giếng có nền đá ong, không âm bộng hỗ trợ 2 triệu đồng/giếng. Đối với phương án hỗ trợ xây dựng đường ống cấp nước từ các CTCNTT đến khu vực thiếu nước và cấp từ vòi nước công cộng, khoảng cách giữa các vòi tối thiểu 100m, mức hỗ trợ theo chi phí xây dựng trực tiếp từ dự toán được phê duyệt.
Về nguồn kinh phí hỗ trợ, từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Sau khi trừ phần kinh phí Trung ương hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ còn lại được phân chia: Các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%; huyện Hoài Ân, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện 30%. Các huyện, thị xã, thành phố còn lại, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương 50%.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)