Phong trào nhảy hiện đại ở TP Quy Nhơn: Cần được “tiếp lửa” và định hướng
Nhảy hiện đại (hiphop, dance cover, choreography...) là một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật lành mạnh, góp phần rèn luyện sức khỏe, thu hút giới trẻ ở TP Quy Nhơn tập luyện. Tuy nhiên, hiện phong trào nhảy hiện đại ở TP Quy Nhơn đã có phần chững lại, đòi hỏi phải có sự “tiếp lửa”.
Nhóm New Way Crew trong một buổi luyện tập tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh.
Kết nhóm từ những điệu nhảy đam mê
So với các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn TP Quy Nhơn, Trường Đại học Quy Nhơn có nhiều nhóm nhảy hiện đại hơn nhờ CLB Kết nối trẻ hiện hoạt động hiệu quả. CLB này đã gầy dựng được phong trào hiphop, dance trong sinh viên nhiều năm qua. Nhiều sinh viên của trường đã tham gia và giữ vai trò nòng cốt trong nhóm F3 Crew - một nhóm nhảy có kỹ thuật biểu diễn tạo ấn tượng cho người xem.
Hoạt động bài bản nhất hiện nay ở Quy Nhơn là nhóm New Way Crew, thành lập năm 2013. Nhóm có 12 thành viên nam, nữ (từ 14-23 tuổi) là học sinh, sinh viên các trường, duy trì tập luyện vào các buổi tối hàng ngày tại phòng tập ở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Nhóm New Way Crew còn nhận đào tạo nhảy các thể loại, thu hút rất đông học sinh, sinh viên đến luyện tập vào dịp hè. Vì vậy, đầu tháng 6 tới, nhóm tiếp tục mở 2 lớp dạy xen kẽ vào các ngày trong tuần.
Lê Sương Sương, Trưởng nhóm New Way Crew, cho biết: “Hằng tháng, ngoài việc tập luyện chung, nhóm có buổi kiểm tra năng lực biểu diễn của từng thành viên qua hình thức bốc thăm trình diễn một bài nhảy bất kỳ mà nhóm đã từng tập, hoặc một bài nhảy mới mà riêng người đó tự sáng tạo... Các thành viên trong nhóm tích cực góp ý, động viên nhau đóng góp vào sự thành công chung cho các tiết mục biểu diễn của nhóm”.
Tham gia thi tài tại Cuộc thi Âm nhạc- Vũ đạo dành cho các bạn trẻ toàn quốc BeU + with Honda năm 2015, nhóm New Way Crew đã vượt qua nhiều nhóm nhảy khác để đoạt giải Nhất vòng thi chung kết khu vực Nam miền Trung, sau đó xếp thứ 9 tại vòng chung kết toàn quốc.
Thỉnh thoảng, người dân Quy Nhơn vẫn thấy một vài nhóm nhảy luyện tập tại các địa điểm công cộng có sân trống như siêu thị, công viên.... Đó là một nét đáng yêu ở thành phố biển. Những nhóm nhảy mới thường được công chúng lưu tâm, tán thưởng nhiều hơn một chút. Nhóm Peak được thành lập cách đây gần 1 năm, với 5 thành viên là sinh viên, học sinh các trường khác nhau là một ví dụ.
Trưởng nhóm Peak Lí Thị Kiều Anh chia sẻ: “Chúng tôi có tuổi đời khác nhau, học ở nhiều trường khác nhau nhưng cùng hội tụ, chia sẻ với nhau niềm đam mê luyện tập các điệu nhảy hiện đại. Chúng tôi thống nhất khi dàn dựng các tiết mục biểu diễn phải cố gắng có được nét riêng của Peak”.
Cần được “tiếp lửa”
Vẫn còn hoạt động nhưng trên thực tế, phong trào nhảy hiện đại ở TP Quy Nhơn đã có phần chững lại. Số lượng các nhóm thành lập mới chỉ lác đác vài ba nhóm, trong khi có tới hàng chục nhóm nhảy đã tan rã. Nguyên nhân chủ yếu vì việc tập luyện mất nhiều công sức, dễ gặp chấn thương nhưng lại có rất ít sân chơi để giao lưu, ít cơ hội để biểu diễn.
Để khắc phục tình trạng trên, một vài nhóm nhảy đã cố gắng đầu tư luyện tập để có các tiết mục chất lượng cao, tăng thêm cơ hội được mời biểu diễn. Ngoài việc đắt sô biểu diễn hơn các nhóm khác, New Way Crew còn có hình thức quảng bá qua những clip ngắn về các bài nhảy của nhóm đăng trên facebook, youtube. Cách đây hơn nửa tháng, clip nhảy flash mob “Tiến lên Việt Nam ơi” của New Way Crew trên youtube tạo ấn tượng nhờ ý tưởng dàn dựng tốt, các cảnh quay đẹp, những màn đồng diễn nhảy hiện đại, võ cổ truyền... và hiện đã thu hút hơn 21.600 lượt người xem.
Biên đạo Hoàng Việt, Trưởng bộ phận Văn hóa- Văn nghệ của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn nhận xét: Trong phong trào văn nghệ quần chúng nói chung và văn nghệ học đường nói riêng, nhảy hiện đại phát triển rất khá. Gầy dựng cho có phong trào không dễ, để xuống rồi thì khó vực dậy. Nếu có định hướng tốt bằng các sân chơi bài bản, tôi nghĩ các nhóm nhảy hiện đại sẽ thu hút được một bộ phận thanh niên vừa vui chơi, giải trí lành mạnh, vừa có thể có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Mấy năm qua, thỉnh thoảng cũng có sân chơi giao lưu nhảy hiện đại nhưng chủ yếu là do các nhóm nhảy tự đóng góp kinh phí, cùng lo liệu tổ chức. Vì vậy, vào cuối tháng 8.2015, khi Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn đứng ra tổ chức chương trình “Giao lưu các Nhóm nhảy trẻ”, hơn chục nhóm nhảy hiện đại đã hết sức phấn khởi tham gia... Những sân chơi thiết thực như vậy cần được ngành Văn hóa quan tâm hơn.
“Tiếp lửa” cho phong trào nhảy hiện đại vừa là một cách làm đời sống văn hóa ở Quy Nhơn thêm phong phú, vừa thu hút và định hướng giới trẻ trong hưởng thụ và sáng tạo văn hóa.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn, Trung tâm Văn hóa tỉnh mấy năm gần đây đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm hiện đại biểu diễn phục vụ công chúng trong một số chương trình văn nghệ, sự kiện văn hóa. “Dạ hội giao thừa Xuân Bính Thân 2016, lần đầu tiên tôi được tin tưởng giao dàn dựng một tiết mục nhảy hiện đại. Nhóm New Way Crew chúng tôi đã rất phấn khởi, phối hợp tập luyện thêm cùng một số bạn trẻ khác để biểu diễn thành công tiết mục “Những trái tim Việt Nam”...” - Trưởng nhóm Lê Sương Sương chia sẻ.
HOÀI THU