An Hòa nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Sau 5 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt xã An Hòa, huyện An Lão, đã có những chuyển biến rõ nét. Ðến nay, xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí. Ðể hoàn thành 19 tiêu chí, đảm bảo lộ trình về đích vào năm 2020, An Hòa vẫn còn phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Một góc thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa hôm nay. Ảnh: H.N.Q
Qua 5 năm XDNTM, nhờ thực hiện tốt khâu vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình nên người dân An Hòa đã đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình XDNTM, lồng ghép với các nguồn vốn của huyện, xã và đóng góp của nhân dân, An Hòa đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng xây dựng 6 phòng làm việc tại trụ sở UBND xã; xây dựng 3 nhà văn hóa cộng đồng tại các thôn Xuân Phong Nam, Vạn Khánh, Hưng Nhượng; công trình thoát nước khu dân cư thôn Long Hòa; tuyến đường đi hồ Hưng Long; kè chống sạt lở đập Ông Dõ (Vạn Xuân).
Bên cạnh đó, bằng nguồn xi măng hỗ trợ xây dựng bê tông giao thông nông thôn của tỉnh và nhân dân địa phương tự đóng góp gần 1,2 tỉ đồng, xã cũng đã bê tông hóa 3,5 km đường giao thông nông thôn. Xã cũng đã đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng xây dựng hoàn thành hệ thống thoát nước tại khu dân cư thôn Xuân Phong Bắc.
Cũng từ nguồn vốn Chương trình XDNTM, xã đã chi hơn 900 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo mua cây, con giống, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân tăng thu nhập kinh tế hộ, góp phần giảm nghèo bền vững…
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, một người dân ở thôn Xuân Phong Bắc tự nguyện hiến đất làm đường, thố lộ: “Thấy được lợi ích của chủ trương XDNTM, gia đình tôi đã tự nguyện hiến một số đất và vận động người trong xóm cùng tháo dỡ tường rào, chặt bỏ cây cối, hiến đất để làm đường nông thôn sạch, đẹp hơn. Bây giờ thì hiệu quả thấy rất rõ, thật phấn khởi”.
Xuất phát điểm của An Hòa là một trong những xã miền núi còn nghèo, đông dân cư nhất của huyện An Lão. Toàn xã có 2.537 hộ với 11.332 nhân khẩu, chiếm hơn 40% dân số toàn huyện. Trong 9 thôn của xã, có 3 thôn thuộc thôn đặc biệt khó khăn là Xuân Phong Tây, Vạn Xuân và Hưng Nhượng. Về cơ cấu lao động, có 44,46% lao động sản xuất nông nghiệp, 21,42% hoạt động công nghiệp-xây dựng, 34,12% hoạt động thương mại-dịch vụ, bình quân thu nhập đầu người năm 2015 hơn 9 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo hiện còn khá cao 36,82%.
Ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa, trăn trở: “Khó khăn nhất của xã hiện nay là thực hiện các tiêu chí về thu nhập, môi trường. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại theo lộ trình từ nay đến năm 2020, trước mắt, trong năm 2016, An Hòa phấn đấu hoàn thành thêm tiêu chí về văn hóa và tiêu chí về đời sống chính trị. Xã cũng đã đề ra các giải pháp vận động nhân dân tiếp tục đóng góp công sức để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đặc biệt, xã triển khai thực hiện các đề án theo Chương trình hành động của Huyện ủy để tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, tổ chức làm điểm ở một số thôn về thực hiện tiêu chí môi trường, sau đó nhân ra diện rộng”.
Ông Văn Phụng Anh cho biết thêm: Hiện xã An Hòa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân; tiếp tục vận động nhân dân hoán đổi đất, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh theo tổ hợp tác, kinh tế trang trại nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, khuyến khích các hộ chăn nuôi trang trại xa khu dân cư.
Để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, An Hòa trước mắt tiếp tục phát triển ngành nghề hiện có như dịch vụ vận tải, mộc dân dụng, sửa chữa điện tử, chế biến hàng nông sản…; nâng cao vai trò, chức năng hoạt động của các HTX trong việc hỗ trợ xã viên phát triển sản xuất, kinh doanh.
HOÀNG NAM QUỐC