Nghệ sĩ Đình Trương với “duyên” phản diện
Sân khấu là nơi công chúng nghệ thuật bắt gặp những bậc quân tử, trang anh hùng chống chọi với những thế lực đen tối, độc ác. Ðóng vai chính diện đã khó, đóng vai phản diện lại càng khó hơn, đòi hỏi người diễn viên phải có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề để hóa thân. Nghệ sĩ Ðình Trương là một trong số ít diễn viên của Nhà hát Tuồng Ðào Tấn đến với vai phản diện như một duyên nghiệp trong nghề.
Nhìn dáng vẻ hiền lành, chất phác của nghệ sĩ Đình Trương, ít ai nghĩ rằng ông lại thành công trên sân khấu với những vai phản diện khét tiếng độc ác, nham hiểm, thâm độc. Tên tuổi của ông gắn liền với những vai như: Bàng Hồng trong vở “Xử án Bàng Quý Phi”, Tạ Ôn Đình trong “Sơn Hậu”, Po Năng Rit trong “Tình yêu và khát vọng”, Lầu Vằn trong “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”. Đặc biệt là Tạ Kim Hùng trong vở tuồng kinh điển “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Tạ Kim Hùng là con của Tạ Ngọc Lân, một trung thần với nhiều chiến công hiển hách nhưng đã về vui thú điền viên đạm bạc. Không giống cha, Tạ Kim Hùng ham mê quyền lực, ưa thích hưởng thụ nên đã kết bè với lũ gian thần lộng hành triều chính, mưu toan cướp ngôi, hại dân, hại nước. Hắn bất chấp tất cả thủ đoạn, giẫm đạp lên cả chữ hiếu, chữ nghĩa. Thủ vai nhân vật bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa này, nghệ sĩ Đình Trương đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả vào những năm 1986-1990.
Nhắc đến Đình Trương, NSND Xuân Hợi nhận xét: “Anh Trương được trời phú cho chất giọng sang sảng, hình thể cao to, rất hợp với những vai phản diện. Đặc biệt, anh còn có sự nhạy cảm, tiếp thu nhanh trong việc thể hiện những vai này. Tôi nhớ có lần đoàn lưu diễn ở Hoài Nhơn, khi nhân vật Tạ Kim Hùng nói với Tạ Phương Cơ cởi bỏ tang phục của cha mình đem cho quân lính làm giẻ lau bàn, khán giả đã phẫn nộ cao độ. Họ la ó, phản ứng dữ dội, có người còn ném đá khiến màn kịch phải ngừng diễn mất vài phút”.
Lột tả, bóc trần thành công những vai diễn phản diện, nghệ sĩ Đình Trương đã trở thành một trong những diễn viên trụ cột của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ông được giao trọng trách là Phó trưởng đoàn biểu diễn. Trong sự nghiệp nghệ thuật, nghệ sĩ Đình Trương đã gặt hái những thành tích đáng khích lệ, tiêu biểu là 2 HCB cho vai Bao Công trong vở “Diễn Võ Đình” (Liên hoan Nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc năm 2008) và vai Khoái Kiệt trong vở “Mộng Bá Vương” (Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung năm 2003).
Sự thành công của Đình Trương có được từ nhiều yếu tố. Trời phú cho Đình Trương hình thể, năng khiếu và đặt ông vào đúng mảnh đất màu mỡ nhất của nghệ thuật tuồng Bình Định. Cha của Đình Trương là nghệ sĩ Minh Đỏ, một kép hát nổi tiếng của đoàn tuồng Tây Sơn. Lớn lên trong cái nôi tuồng, được cha “truyền lửa”, niềm đam mê nghệ thuật truyền thống đã thôi thúc Đình Trương “kết duyên” với nghiệp tuồng. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp văn hóa tỉnh Nghĩa Bình, về “đầu quân” cho Nhà hát tuồng Đào Tấn, nghệ sĩ Đình Trương đã nhanh chóng khẳng định được tài năng qua những vai diễn phản diện. Tài năng của ông càng có điều kiện được mài dũa khi trở thành con rể của thầy dạy mình - NSND Đinh Quả. Người bạn đời, bạn nghề của ông chính là NSƯT Kim Thành. Mối lương duyên đó càng giúp ông thêm thành công trên con đường nghệ thuật.
Sự thành công của một vai diễn thường được đánh giá thông qua sự phản ứng của khán giả. Họ yêu thương, đồng cảm với những vai diễn hiền lành, trung hậu. Họ tức giận, căm ghét những vai diễn ác độc, tham tàn. Họ có thể cố ý gọi tên diễn viên bằng tên nhân vật. Khi nhắc đến nhân vật đó là nghĩ đến hình dáng của diễn viên thủ vai và gặp diễn viên là nhớ đến nhân vật. Vai diễn của nghệ sĩ Đình Trương cũng luôn nhận được sự phẫn nộ tột cùng của khán giả bởi những vai diễn do ông thể hiện đó quá thật, quá đời. Đình Trương nhớ lại: “Vào khoảng năm 1995, có lần đi diễn ở Hoài Ân, đêm cuối tôi thủ vai Bàng Hồng trong vở “Xử án Bàng Quý Phi”, sáng hôm sau khi chuẩn bị lên xe thì thấy mấy em nhỏ chỉ trỏ khúc khích nói: “Ông he hé kìa! Ông úi cha cha kìa!”. Đó là một trong những kỷ niệm không thể quên được trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi”.
Khi lên sân khấu, ai chẳng muốn được nhận vai phù hợp với tính cách của mình, được khán giả yêu mến. Nghệ sĩ Đình Trương cũng chẳng muốn bị khán giả tức giận, ghét bỏ. Nhưng dường như, ông sinh ra là để dành riêng cho vai phản diện, để thành công với vai phản diện. Có lần ông nói đùa rằng đó là cái duyên, cái nghiệp, khán giả càng phản ứng, càng tức giận tức là ông đã diễn đạt, đã thể hiện thành công vai diễn. Đó chính là niềm vui dành riêng cho người nghệ sĩ đóng vai phản diện như ông.
LÊ CÔNG PHƯỢNG
Bai viet kha sac sao ve ngon tu.van but manh lat .