Hiểu đúng về vi-rút Zika
Thời gian qua, cái tên “vi-rút Zika” xuất hiện với mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây nỗi hoang mang không nhỏ trong cộng đồng. Vậy, thực sự vi-rút Zika nguy hiểm đến mức nào?
Mới đây, tại TP Đà Nẵng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phối hợp tổ chức Hội thảo báo chí phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và các dịch bệnh mùa hè. Tham gia hội thảo có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng và các báo, đài phát thanh - truyền hình của 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Manu Eraly trình bày các khuyến cáo của WHO về phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika.
Điểm nhấn của hội thảo là phần trình bày của ông Manu Eraly - chuyên gia truyền thông của WHO - về tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika trên thế giới và khuyến cáo của WHO về phòng chống bệnh do vi-rút Zika. Theo đó, người mắc bệnh vi-rút Zika có thể có triệu chứng sốt nhẹ, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ và khớp, khó chịu, đau đầu. Các triệu chứng này thường kéo dài 2-7 ngày. Đáng chú ý là tỉ lệ nhiễm bệnh không có triệu chứng rất cao - chiếm đến 81,5%.
Dù sức khỏe của người nhiễm vi-rút Zika không bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng những tai biến từ dịch bệnh do nó gây ra lại rất đáng kể. Dựa trên nhiều nghiên cứu sơ bộ đã được thực hiện, giới khoa học đã thống nhất rằng vi-rút Zika là nguyên nhân gây hội chứng đầu nhỏ ở một số trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain-Barré (một chứng rối loạn thần kinh có thể gây liệt và tử vong).
Từ những phân tích đó, không dưới 3 lần ông Manu Eraly khẳng định: “Bản thân vi-rút Zika không phải là mối quan ngại lớn về y tế công cộng”. Ông cho biết, một số nước ở Nam Mỹ (điển hình là Brasil) đã không còn thống kê số lượng ca mắc vi-rút Zika. Thay vào đó, họ tập trung vào công tác tuyên truyền cho các đối tượng nhiễm bệnh có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm - đặc biệt là phụ nữ mang thai để phòng dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Tính đến tháng 5.2016, 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi-rút Zika. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã lấy 2.266 mẫu xét nghiệm vi-rút Zika, ghi nhận 2 mẫu dương tính. Thông tin chi tiết về bệnh do vi-rút Zika, bạn đọc có thể tham khảo tại website của Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn) và Bộ Y tế (moh.gov.vn).
Ông Manu Eraly cũng nhấn mạnh đến một hiện tượng đáng lo ngại là truyền thông chưa chú trọng phân biệt “vi-rút Zika” và “dịch bệnh do vi-rút Zika”, vô hình trung gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng. Đồng ý với quan điểm này, tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khuyến cáo người dân không hoang mang, tránh đi xét nghiệm không cần thiết và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ông Bắc lưu ý, với phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu sống trong vùng có dịch (hoặc đã từng đến vùng có dịch), hoặc có chồng/bạn tình xét nghiệm vi-rút Zika dương tính, nếu có dấu hiệu sốt, phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc thì cần được xét nghiệm xác định vi-rút Zika.
MAI LÂM